Người Tình của Marguerite Duras, câu chuyện tình yêu vô vọng ở xứ sở không màu

25May2022

“Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn mùa, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có sự hồi sinh.”

L’Amant (thường được dịch là Người Tình) là một trong các tác phẩm văn học đáng chú ý nhất viết về những trải nghiệm ở Đông Dương thuộc Pháp. Tiểu thuyết này được Marguerite Duras sáng tác vào năm 1984 và được trao giải thưởng Goncourt dành cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm tại Pháp. Tiểu thuyết được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1992.

Cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện này kể về những trải nghiệm thơ ấu và trưởng thành của Marguerite Duras (sinh năm 1914 tại Gia Định với tên Marguerite Donnadieu). Trong một chuyến phà qua dòng sông Tiền, cô gái 15 tuổi đã vô tình gặp một người đàn ông Hoa Kiều và trở thành tình nhân của ông.

Thường được nhớ đến như một câu chuyện tình yêu, nhưng thực chất tiểu thuyết bao trùm nhiều chiêm nghiệm của một cô gái trẻ về thân phận và cuộc đời. Duras kể về tuổi trẻ bằng một lối tự sự buồn bã, gợi lại trải nghiệm với người mẹ nghiệt ngã của bà, sự thiên vị mà mẹ dành cho người anh cả, nỗi đau khổ của người anh thứ bị ghẻ lạnh, sự chật vật của một gia đình da trắng sa sút không thể chi trả cho lối sống trung lưu mà họ hằng ao ước, và cuối cùng là mối tình không lối thoát với người đàn ông hơn cô 12 tuổi.

Khung cảnh Sa Đéc, nơi nhà văn lớn lên và trải qua những đỗ vỡ của tuổi trưởng thành. Ảnh: Ninh @Tản Mạn Kiến Trúc 2022

Chuyện tình giữa cô Marguerite và Huỳnh Thủy Lê là một mối tình vô vọng. Không thiếu những phân đoạn miêu tả nhanh và mạnh bắt từng xúc cảm tinh tế gợi lại xung lực thể xác mạnh mẽ mà họ dành cho nhau. Tính chất của mối quan hệ không thực sự rõ ràng, vừa như thuần túy xác thịt, vừa chen lẫn những rung động yêu thương không thể lý giải. Sự liên hệ của cả hai không dẫn đến một tương lai nào cả, họ biết rõ điều ấy, và cả hai cùng đan vào nhau trong niềm tuyệt vọng.

Không chỉ là một chuyện tình yêu đơn thuần, Người Tình là một phóng chiếu cho bản ngã của Marguerite Duras tuổi xế chiều khi hồi cố lại một vùng đất chỉ còn là dĩ vãng, một nơi nào đó dường như là quê hương, một xứ sở mãi mãi nằm đằng sau chuyến phà năm bà 15 tuổi và để lại một người tình không bao giờ vẹn nguyên. Khi nhìn lại toàn bộ những năm tháng cuộc đời, những yêu thương và dâu bể để tìm lời giải đáp cho những biến cố đã hằng vào tâm trí bà đến nay, những ý nghĩa mờ mịt trong cái nắng vĩnh cửu làm bạc màu mọi vật thì bà miêu tả chúng là: 

“Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn mùa, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có sự hồi sinh.”

Năm 1992, tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh và đạt được thành công lớn. Phiên bản điện ảnh được thực hiện tại nhiều bối cảnh ở miền Nam Việt Nam, bao gồm Sài Gòn-Chợ Lớn, các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp và Cần Thơ. Phim có sự đầu tư công phu về hình ảnh khi cố gắng dựng lại một Đông Dương hoài niệm, lãng mạn nhưng cũng là một ảo ảnh.

Tản Mạn Kiến Trúc tìm ra một số phân đoạn cảnh quan đáng chú ý. Mời bạn bước vào hồi ức của Marguerite Duras.

Lycée Chasseloup Laubat là ngôi trường đầu tiên người Pháp mở ra tại Sài Gòn (1874). Ngày nay, công trình vẫn còn nguyên vẹn và mang tên mới là trường Lê Quý Đôn. Cảnh quay được thực hiện tại trường Pétrus Ký, nay là trường Lê Hồng Phong.

Phân cảnh nhà hàng được quay bên trong Dinh Gia Long (Bảo tàng TPHCM). Ghế theo kiểu Thonet là điển hình cho đồ nội thất của các nhà hàng và quán cafe thời bấy giờ. Đồ nội thất Thonet do Michael Thonet (người Áo-Đức) sáng tạo trong thập niên 1830, cho phép uốn gỗ thành những hình dáng tinh tế. Kiểu Thonet trở nên phổ biến khắp thế giới và vẫn còn thịnh hành đến ngày nay.

Bến Bạch Đằng giáp với sông Sài Gòn, ngôi nhà màu đỏ phía hậu cảnh là Bến Nhà Rồng, phía bên này bờ là Cột cờ Thủ Ngữ. Ở góc trái khung ảnh có một chi tiết trang trí đầu cột, là một phần của tòa nhà Hải Quan cuối đường Hàm Nghi.

Tu viện Dòng thánh Paul thành Chartres, nay mặt tiền thuộc Đại học Sài Gòn. Cảnh phim nhắc nhớ về hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng ngày xưa.

Ảnh trái: Cảnh quay ở một dãy nhà phố Chợ Lớn, nằm trên đường Phú Định. Ngày nay một vài ngôi nhà xưa vẫn còn tồn tại.

Ảnh phải: Tái hiện một cảnh phố chợ ở Chợ Lớn. Cảnh quay tại đường Phù Đổng Thiên Vương, cạnh chợ Xã Tây, hướng nhìn về đường Nguyễn Trãi. 

Ngôi nhà tại Sa Đéc, với cốt lõi kiểu truyền thống và mặt tiền kiểu phương Tây. Ngôi nhà thuộc về dòng họ Trần và hiện vẫn còn được bảo quản tốt.

École de Sa Dec, sau là trường Nữ tiểu học, nay mang tên trường Trưng Vương ở thành phố Sa Đéc. Ngôi trường trải qua nhiều lần xây dựng và cải tạo. Chưa rõ công trình trong phân cảnh trên ở vị trí nào trong thực tế, có thể là một cảnh phục dựng để tái hiện cảnh quan ngôi trường thời thuộc địa.

Cảnh quay được thực hiện tại nhà cổ Bình Thủy (phủ thờ họ Dương) tại thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà này cùng với nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Đồng Tháp đã trở nên nổi tiếng nhờ vào bộ phim Người Tình năm 1992, và được nhiều khách du lịch tìm đến để hình dung về một Đông Dương được thơ mộng hóa qua trang viết và những thước phim của Người Tình.

Marguerite Duras hồi tưởng lại những năm tháng tuổi trẻ ở vùng đất Đông Dương với ngôn từ đượm buồn, xen lẫn cảm giác man mác, sự trống vắng vô nghĩa. Cảnh quan hiện ra đầy nhợt nhạt qua hồi tưởng của Duras: “Tôi mười lăm tuổi rưỡi, xứ sở này không có bốn mùa, chúng tôi sống trong một mùa duy nhất, nóng nực, đơn điệu, chúng tôi sống trên một miền đất nóng nực trải dài, không có mùa xuân, không có sự hồi sinh.” Trang viết của Duras khép lại, chúng ta bước ra khỏi nỗi buồn, mở khung cửa và đối diện với một vùng đất phương Nam tràn đầy vẻ đẹp cùng sức sống...

Bài viết liên quan

Những dấu mốc thời gian nơi đô thị cổ Sa Đéc

Phố chợ Sa Đéc lưu giữ những dấu mốc gợi nên dòng chảy lịch sử đa dạng mà đô thị này từng trải qua. Cùng dạo bước qua những di sản kiến trúc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để thong thả cảm nhận thời gian trôi qua tại một đô thị lâu đời của xứ đồng bằng.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.