Những địa điểm di sản nằm ngoài dòng chảy thời gian tại Vĩnh Long
Thất phủ Hội quán, hay thường được người dân gọi bằng cái tên thân quen hơn là "Chùa Ông".
11Jan2022
Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá khác nhau đã cùng sinh sống và tương tác qua lại suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.
Tới nay, quá trình đô thị hoá mạnh mẽ cũng kéo theo sự biến động lớn về diện mạo các lớp di sản của đô thị này. Một vài địa điểm được xem như những điểm mốc của ký ức, nơi chia sẻ văn hoá của nhiều thế hệ cộng đồng cũng như biểu lộ các quan điểm về thẩm mỹ lẫn tinh thần giờ đây đang đứng trước thế lưỡng nan. Do đó, để hiểu hơn các nền tảng phong phú và đan xen của nhiều câu chuyện và hồi ức, chúng ta thử lần lượt bóc tách từng điểm mốc di sản để nhận ra sự phong phú mà phố thị trải qua.
Dấu mốc của lớp lang sắc màu - Miếu vũ
Người Hoa đã định cư ở vùng đất này suốt hàng thế kỷ. Miếu và hội quán đánh dấu vị trí trung tâm của một cộng đồng người Hoa, nơi diễn ra những cuộc sum họp, lễ tiết, hội hè và nghị luận. Theo nghĩa ấy, đền miếu và hội quán chính là điểm neo ký ức trong suốt hành trình cư lưu và phát triển của cộng đồng. Kiến trúc của người Hoa nổi bật lên trên nền cảnh quan nhiệt đới với những gam màu mạnh mẽ, trang trí đường bệ và vận dụng đa dạng nhiều kỹ thuật tạo tác.
Thất Phủ Hội Quán tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long. Đây là miếu thờ Quan Vũ, một vị tướng quan trọng trong lịch sử và hệ thống tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc. Chính vì là nơi thờ ông Quan Vũ nên cụm công trình này được người dân gọi đơn giản là “Chùa Ông”. Địa điểm này đồng thời cũng là nơi sinh hoạt bang hội của người Hoa trong khu vực. Công trình thể hiện những đặc trưng kiến trúc nổi bật nhất của phong cách Phúc Kiến: Bộ mái cong vút, những phù điêu khảm gốm đa sắc và sắc đỏ rực rỡ chủ đạo.
Miếu Thiên Hậu nằm đối diện với Thất Phủ Hội Quán ở phía bờ kia của dòng sông. Đây là miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị phối thần khác. Nếu Thất Phủ Hội Quán có một cấu trúc mái đường bệ và nhiều tầng lớp thì Miếu Thiên Hậu thể hiện sự tinh giản và khỏe khoắn. Phần đỉnh mái được trang trí bằng một dải nê họa (phù điêu đắp bằng vữa và phủ sơn màu) cùng một dải tượng gốm mô tả các tích truyện dân gian của miền Nam Trung Quốc. Cạnh miếu có một ngôi trường Hoa ngữ nơi thế hệ trẻ được khuyến khích giữ gìn tiếng nói của cộng đồng.
Bên cạnh hai công trình nổi bật này còn có Chùa Minh Hương, một công trình khiêm tốn hơn về mặt tạo hình nhưng có vai trò quan trọng vì lưu trữ được nhiều văn bản cổ bằng tiếng Hán. Ngôi chùa vì thế chính là một kho lưu trữ lịch sử và văn hóa của phương Nam.
Sân thiên tỉnh của Chùa Minh Hương - một mảng xanh giữa lòng kiến trúc
Dấu mốc cuối cùng cho vinh quang khoa cử miền Nam - Văn Thánh Miếu
Sau khi Văn Miếu Trấn Biên (Đồng Nai) và Văn Miếu Gia Định (TPHCM) bị phá hủy thì Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là điểm mốc Nho học nguyên bản duy nhất còn lại ở miền Nam. Đây là nơi tôn vinh tri thức và truyền thống khoa cử theo đúng chức năng của một văn miếu, nhưng hoàn cảnh ra đời đầy sóng gió cũng biến nó thành một biểu tượng ái quốc. Cụm công trình này được xây dựng vào những năm 1864-1866 giữa tiếng súng rền vang của quân đội Pháp. Văn Thánh Miếu là nỗ lực lưu giữ truyền thống khoa cử và kết nối giới trí thức miền Nam khi nỗi sợ mất nước đang dần phủ bóng. Đền đài và cổ thụ tồn tại đến ngày nay như những điểm mốc quan trọng, để hỏi rằng tri thức làm những được gì trong mỗi thời khắc hệ trọng của đất nước.
Dấu mốc hào phú, mở hé những đoạn vàng son
Sự đủ đầy của một vùng đất được thể hiện qua những tầng lớp kiến trúc của các thế hệ cư dân. Thị hiếu biến đổi liên tục qua các thời kỳ, ở mỗi giai đoạn người ta đều có những ý niệm riêng tư về cái đẹp để tích hợp vào không gian sống của mình.
Khi dạo bước trên phố xá Vĩnh Long, chúng ta có thể bóc ra những lớp lang của các thời đại: những ngôi nhà gỗ truyền thống trầm ngâm với chạm khắc và khảm cẩn, những ngôi biệt thự thời Pháp mang bảng màu tươi sáng của tranh vẽ tường, cho đến những ngôi nhà phủ đá rửa mang hình khối năng động của chủ nghĩa Hiện Đại. Tất cả những không gian đó làm thành một tổng thể kiến trúc vừa đa dạng vừa xuyên suốt mà mỗi đại diện đều xứng đáng được giữ gìn.
Đối với chủ nhân của nhà cổ họ Mai, trở về với ngôi nhà của tổ tiên là một hành trình khám phá về chính bản thân mình.
Phòng khách giống như một bảo tàng ký ức. Mỗi thế hệ đi qua đều để lại những di vật, vừa phản ánh lịch sử kỹ thuật chung của xã hội, vừa chứa đựng những câu chuyện riêng tư của dòng họ. Ảnh chụp tại nhà cổ họ Lâm.
Dấu mốc Phố chợ - Hiện đại và rong rêu
Thành phố không thể lắng đi tiếng ồn ào của cửa hiệu. Trong khi những cửa hàng mới liên tục được mở ra thì shophouse xưa vẫn còn tìm được không gian hiện diện. Shop là cửa hàng nơi mặt phố, house là không gian nhà ở riêng tư, thường nằm ở phía sau cửa hiệu hoặc là tầng lầu ngay bên trên. Không gian kinh doanh truyền thống không tách khỏi chốn cư trú, nơi người ta vừa ăn ở vừa buôn bán dưới cùng một mái nhà duy nhất. Một số cửa hiệu là công trình kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc, một số được xây dựng trong nửa cuối thế kỷ XX và phản ánh những ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hiện Đại năng động. Trên những biển hiệu xưa, những phông chữ tân thời của ngày trước đã trở thành hoài niệm do thời gian phủ lấp. Thị hiếu đến, đi và ở lại, và vì thế đô thị trở nên đa dạng trong chính những gì nó giữ lại và dần thay đổi.
Bài viết: Hiếu Y & Vương An Nguyên
Hình ảnh: Ninh & Nick
Bài viết liên quan
Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...
Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...