Ghé thăm Chợ Mới một ngày nắng đẹp, thong thả cảm nhận thời gian trôi 

25May2022

Màn trập là bộ phận có chức năng đóng mở để ánh sáng đi vào máy ảnh nhằm thu lại hình ảnh trên phim. Tản Mạn Kiến Trúc dùng "Màn Trập" để gọi tên chuỗi bài khám phá bằng ảnh. Chữ ít, ảnh nhiều, mỗi chuyên mục là một chuyến kiếm tìm và lưu trữ vẻ đa dạng nơi những vùng đất mà chúng tôi đi qua.

Chợ Mới là một huyện của tỉnh An Giang, nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu. Phía Tây Bắc của Chợ Mới là sông Vàm Nao, nơi sông Tiền và Hậu gặp nhau. Vì nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn như thế nên Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó.

Tản Mạn Kiến Trúc đã ghé thăm Chợ Mới vào một ngày nắng đẹp và dạo qua những gương mặt kiến trúc đa dạng của vùng đất này. Mời bạn đọc cùng tham gia hành trình của TMKT.

Nhà bè nuôi cá tập trung thành từng cụm, dần hình thành nên các làng nổi trên sông.

Vùng An Giang có địa hình trũng thấp. Mỗi năm một lần, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ xuống và chảy tràn ra cả vùng An Giang, biến những cánh đồng lúa và làng xóm thành một mặt hồ khổng lồ. Người dân ở đây xây nhà sàn, nửa phần trên là không gian sinh hoạt chính, nửa dưới thường dùng làm nơi lưu trữ vật dụng. Nhà sàn ở khu vực này có màu sơn tươi sáng, trang trí bằng các họa tiết hình học phong phú ở mặt tiền.

Phòng khách ngôi nhà là một không gian đầy chi tiết. Đây là một gia đình theo đạo Cao Đài, với trang thờ Thiên Nhã ở trung tâm ngôi nhà. Bên dưới trang thờ là tủ thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” để tôn vinh các đời tổ tiên. Hai bên khu vực thờ là hai cửa buồng nhỏ, chiếc rèm phân định giữa không gian linh thiêng và đời sống riêng tư ở nửa nhà sau.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những ảnh hưởng kiến trúc phương Tây dần lan tỏa vào Việt Nam. “Nhà Tây” trở thành một thị hiếu tân thời, một biểu trưng mới cho đời sống sung túc. Mặt tiền ngôi nhà được trang trí dày đặc bằng các phù điêu có nguồn gốc phương Tây, nhưng được người dân tự do ứng biến để kể câu chuyện về ước mơ và niềm tự hào của riêng họ.

Những phù điêu đậm đặc được đính kèm cùng gạch tráng men nhiều màu sắc. Những mẫu gạch men này được sản xuất tại Nhật và được ứng dụng phổ biến trong kiến trúc dân dụng Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20.

Từ giữa thế kỷ 20, thị hiếu trang trí cầu kỳ bằng phù điêu bắt đầu nhường chỗ cho những xu hướng tinh gọn, năng động hơn. Ngôi nhà này minh họa cho phong cách kiến trúc dân dụng phổ biến trong những thập niên 1950-80: ngôi nhà vẫn mang cấu trúc truyền thống (ba gian), nhưng mặt trước và các mặt bên thể hiện ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại (Modernism) với đá rửa nhiều màu chia bề mặt tường thành các ô hình học.

Kiến trúc dân dụng nằm ở bên lề của lịch sử. Chúng kể những câu chuyện nhỏ về tâm tính, ước mơ và phương cách sống của những thế hệ cư dân từng sinh ra và mất đi. Dạo qua những gương mặt của kiến trúc, ta như chạm vào ký ức của vùng đất. Vùng đất như một sinh thể có vận mệnh và những câu chuyện riêng tư.

Bài viết: Hiếu Y

Hình ảnh: Ninh

Bài viết liên quan

Ven những dòng sông ở Mang Thít, những lò gạch cuối cùng chậm rãi nhả khói. Đứng trước những lựa chọn đổi thay, những gì còn lại của một “vương quốc thịnh vượng” vẫn mang trong nó những khả năng lưu trữ ký ức giữa thời hiện đại...

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.