Những mẻ gạch cuối cùng ở 'vương quốc lò gạch' Mang Thít
25May2022
Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từng được mệnh danh là “vương quốc lò gạch” của miền Nam. Song với những thay đổi công nghệ và tiêu chuẩn mới về môi trường, những làng nghề sản xuất gạch ngói truyền thống ở đây có thể sớm trở thành dĩ vãng. Nhiều lò gốm nay đã phủ xanh cây cối và dần sụp đổ, khiến những người mới đến thường tưởng rằng họ đang lạc vào một vùng tàn tích. Và đứng trước những lựa chọn đổi thay, những gì còn lại của một “vương quốc thịnh vượng” vẫn mang trong nó những khả năng để xứng đáng để được trao sức sống mà chuyển mình thành những di sản lưu trữ ký ức giữa thời hiện đại.
Trữ lượng đất sét giàu có và hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi tạo điều kiện cho sản xuất và phân phối gạch ngói. Ảnh: Ninh
Từ lâu, nghề làm gạch ngói phục vụ ngành xây dựng đã phổ biến tại các tỉnh miền Tây, đặc biệt tập trung ở Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang. Trữ lượng đất sét giàu có và hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi tạo điều kiện cho sản xuất và phân phối gạch ngói. Tại các vùng làng nghề, hoạt động sản xuất của các lò gạch mang đến lượng công việc đa dạng, cung cấp sinh kế cho đông đảo cư dân trong vùng. Những dòng sông và kênh đào từng chật kín ghe thuyền ngược xuôi, mang vật liệu, lối sống và văn hóa tỏa đi khắp các ngả đường.
Nghề gạch ngói phát triển nhờ những ưu ái từ sông Mekong. Dòng sông mang lượng phù sa khổng lồ từ thượng nguồn xa xôi, chảy qua những quang cảnh đa dạng để cuối cùng lắng đọng và tạo nên vùng đồng bằng Sông Cửu Long bằng phẳng, rộng lớn. Từ trầm tích của dòng sông, con người nhào nặn và chế tác vật liệu để dựng nên chốn cư trú. Để khai thác đất sét, những người thợ đào xuyên qua nhiều mét đất đến khi chạm đến tầng sét đặc dẻo. Trước đây từng có đông đảo nam giới làm nghề “cạp đất”, họ dùng dụng cụ chuyên dụng để khai thác đất sét bán cho lò gạch. Vốn dĩ câu của miệng “nghèo thì cạp đất mà ăn” không có nghĩa là “ăn đất”, mà nghĩa là lấy sức lao động để có được sinh kế. Quá trình khai thác đất được một người chủ giám sát và chấm công, những người thợ sẽ được trả công vào cuối ngày tùy thuộc vào số lượng thùng đất họ khai thác được. Ngày nay, với sự gia tăng của máy móc, nghề khai thác đất bằng sức người cũng dần biến mất.
Các loại sét được nhào trộn với cát theo một tỷ lệ do thợ pha đất quyết định. Đất được cho vào khuôn đúc để định hình thành gạch, ngói, chậu cây và các sản phẩm trang trí khác. Trước đây, quá trình nhào đất và đúc khuôn đều được làm bằng tay, nay có sự hỗ trợ của máy móc giúp rút ngắn thời gian và sức lực. Đất sét sau khi phơi khô có màu xám, sau đó được đưa vào lò nung. Thợ có kinh nghiệm sẽ sắp xếp các sản phẩm trong lò để đảm bảo sức nóng được lan tỏa tối ưu, cho ra màu sắc và cấu trúc đồng nhất. Chất đốt truyền thống là vỏ trấu (vỏ hạt lúa), nay có thêm công nghệ nung điện mang tính thử nghiệm. Thợ đốt lò giữ lửa liên tục trong khoảng một tuần, đến ngày thứ bảy nhiệt độ trong lò đạt 900°C, thợ cho ngưng lửa, bít miệng lò bằng đất sét và để nguội dần cho đến ngày mở lò. Sắc nâu của đất sau quá trình chế tác ròng rã trở thành sắc hồng cam đầy gợi cảm.
Trước mỗi lò đều có một hốc thờ nhỏ, theo lời giải thích của những người thợ thì đấy chính là trang thờ táo lò. Trong niềm tin của họ, mọi vật đều được thánh thần bảo vệ. Tin vào táo lò, họ thấy những vất vả và nguy hiểm trong nghề nghiệp như được xua tan, và những đêm dài canh lửa lò cũng bớt phần trống vắng. Chu kỳ đóng lò, mở lò gắn liền với vòng quay trong đời sống của người thợ, và họ thực sự hình thành một mối kết nối tinh thần với chiếc lò cùng những biến chuyển của nó, để thấy rằng chiếc lò cũng có linh hồn và sẵn lòng bảo bọc những người giữ lửa.
Nhưng rồi cũng đến lúc những chiếc lò gạch dần tắt lửa. Khi đời sống chảy trôi, thay đổi ắt phải đến. Các làng nghề truyền thống đứng trước áp lực chuyển đổi khi các công nghệ vật liệu mới dần tạo ra nhiều lựa chọn khác ngoài gạch nung, và lo ngại về tác động của khí thải lên môi trường khiến hoạt động sản xuất truyền thống cần phải được xem xét lại.
Trên thế giới, các công trình công nghiệp khi ngừng hoạt động thường được lựa chọn bảo tồn (conserve) hoặc chuyển đổi kiến trúc, công năng (rehabilitate) để phục vụ cho những chức năng mới như nhà trưng bày, điểm thăm quan, xưởng nghệ thuật.
Các công trình kiến trúc thủ công/công nghiệp là một mắt xích quan trọng trong lịch sử, minh họa cho những đổi thay về công nghệ, lối sống và thị hiếu của con người. Ngoài những giá trị kiến trúc, các công trình thủ công nghiệp như lò gạch là những địa điểm tinh thần lưu giữ chuyện đời và ký ức của vùng đất. "Vương quốc lò gạch" là một phần ký ức không thể lãng quên của vùng đất Vĩnh Long. Những cụm làng nghề còn lại của Mang Thít nằm trên tuyến đường thủy nối giữa các trung tâm du lịch nổi tiếng ở miền Tây như Cái Bè, thành phố Vĩnh Long và Cần Thơ, cung cấp một đệm chuyển tiếp làm nên câu chuyện liền mạch trong chuyến du hành vào phương Nam.
Bài viết được đăng tại Saigoneer trong chương trình cộng tác nội dung giữa TMKT và Saigonner
Bài viết: Hiếu Y
Hình ảnh: Ninh và Luân Nguyễn
Biên tập bài viết và hình ảnh: Vương An Nguyên và Nick
Bài viết liên quan
Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...
Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.