Mô hình nhà ở truyền thống của người Khmer tại Phòng trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng
18-05-2024
Gian trưng bày mô hình ‘Nhà ở truyền thống của người Khmer’ cung cấp một hình dung sơ lược về kiến trúc nhà ở dân gian của người Khmer vùng Nam bộ.
Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng
Hiện nay công trình tọa lạc tại số 23 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, trung tâm thành phố Sóc Trăng, nằm đối diện với Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam Bộ trong khuôn viên của chùa Khleang.
Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng được khởi công xây dựng vào năm 1936 và khánh thành năm 1941, với tên gọi ban đầu là Học viện Phật giáo - nơi hội họp của các nhà sư Khmer Nam bộ. Sau đó, học viện được đổi tên thành Hội phát triển Đạo đức, trí tuệ và thể chất của người Campuchia tại Nam Kỳ (Association pour L'amélioration morale, intellectuelle et physique des Cambodgiens de Cochinchine) (theo bảng ghi danh đặt tại phòng trưng bày). Nơi này bắt đầu mở trường trung học dạy tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp.
Năm 1992, công trình trở thành Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng trực thuộc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng.
Hiện nay vẫn có thể tìm thấy bảng ghi danh các nhà tài trợ cho việc xây dựng công trình vào năm 1939 với một số nhân vật nổi bật như Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ, Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ ở Trà Vinh, ông Hội đồng Trần Trinh Trạch (cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy). Cơ sở cầm đồ của gia đình chú Hỏa cũng đóng góp một phần vào đây.
Nhà ở truyền thống của người Khmer
Trong quá khứ, người Khmer tại ĐBSCL tụ cư trên những giồng đất chạy dài giữa một vùng đồng bằng thấp trũng, đôi khi ngập nước. Trên những giồng cao này, người Khmer định cư tập trung thành các làng, gọi là ‘phum’ (ភូមិ) với chục hộ gia gia đình. Những phum cạnh nhau sẽ hợp thành một sóc - ‘srok’ (សុក). Họ trồng lúa nước, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc,...
Nhà ở có hai dạng: ở những vùng cao ráo thì nhà cất ngay trên mặt đất, những vùng thấp trũng thường ngập nước hoặc gần sông rạch thì nhà được cất thành nhà sàn.
Không ảnh: Cụm cư dân người Khmer nhìn từ trên cao, nhà và chùa được xây dựng trên các khu vực đất cao, xung quanh là ruộng. Ảnh năm 1964 của George Muccianti.
Bản đồ: Một phần bản đồ Nam Kỳ thuộc Pháp, năm 1906, phần cắt ra cho thấy các giồng đất cao chạy song song với bờ biển ở khu vực Bạc Liêu và Sóc Trăng, vốn là nơi cộng đồng Khmer định cư lâu đời.
Trước khi các vật liệu hiện đại như bê tông cốt thép được du nhập vào Việt Nam, nhà ở của người Khmer thường được xây dựng bằng vật liệu có sẵn tại các địa phương. Tại vùng ĐBSCL, người Khmer ở Việt Nam sử dụng lá dừa nước để làm vách tường hoặc lợp mái, trong khi người Khmer ở Campuchia thường lợp nhà bằng lá cọ, lá cây thốt nốt hoặc cỏ tranh. Nhà có điều kiện thì cột gỗ kê đá tảng, vách ván gỗ, lợp ngói với quy mô rộng hơn.
Nhà sàn ở những khu vực ngập nước thường có 2 phần: trên sàn là gian nhà chính và dưới gầm sàn là chuồng gia súc, dệt vải…. Phần trên thường có không gian trung tâm dành cho việc thờ cúng, sinh hoạt gia đình, tiếp khách; buồng ngủ của các thành viên được phân bố theo vai vế, giới tính (ông bà cha mẹ ở trước, con cháu ở sau; con gái chưa chồng bên trái, con trai bên phải) sắp xếp xung quanh gian sinh hoạt; bên cạnh đó còn có góc trữ lúa hoặc may dệt. Bếp thường nằm ở dưới nhà hoặc ngoài chái hiên, không nằm trong không gian chính của nhà. Sự sắp xếp này có thể khác nhau tùy theo từng gia đình, nhưng con cháu trong nhà luôn được tách biệt theo giới tính và được xếp ở phía sau nhà. Có thể có những thay đổi khác về vị trí so với khu vực trung tâm chính, nhưng gian nhà chính luôn là khu vực quan trọng nhất. Phần không gian mặt đất bên dưới gầm sàn chủ yếu dùng để làm chuồng gia súc như gà vịt, trâu bò,... Đôi khi khu vực dệt vải, làm bếp cũng được bố trí bên dưới nhà.
Một số ảnh chụp còn cho thấy ở phía trên sàn nhà người ta còn thiết kế nới ra tạo thành ‘hàng ba’ hoặc hành lang ở xung quanh gian nhà chính. Hơn hết, những ngôi nhà của người giàu hoặc các công trình có công năng khác như chùa, tăng xá, trường học,... người ta còn bố trí khoảng sàn lớn đóng vai trò như không gian nới rộng ra bên ngoài, đặt ở trước hoặc bao quanh. Những công trình có quy mô như thế thường có ít nhất 2 cầu thang, trong khi nhà nhỏ thường thì chỉ có 1 cầu thang kết nối nhà với mặt đất.
Hiện nay, ở các vùng Trà Vinh - Vĩnh Long, Sóc Trăng - Bạc Liêu, Cần Thơ, người Khmer chủ yếu không còn xây cất nhà sàn mà chuyển sang cất nhà trên mặt đất, về sau kiến trúc nhà ở dần chịu ảnh hưởng theo dạng nhà của người Việt, người Hoa, ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển phương Tây và sau đó là kiến trúc hiện đại. Một số ít các ngôi nhà sàn vẫn còn được sử dụng ở vùng gần biên giới như An Giang - Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước,...
Bài viết và hình ảnh: Duy Khang
Tham khảo
Thạch Voi. (1988). Khái quát về người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ (trang 13-56). NXB Tổng hợp Hậu Giang.
Thư ngỏ về việc gây quỹ cho dự án
Quý vị thân mến, dự án Tản Mạn Kiến Trúc luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu miễn phí cho tất cả bạn đọc. Hoạt động xây dựng nội dung của dự án sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn.
Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy cân nhắc đóng góp một khoản tùy ý cho quỹ phát triển nội dung của Tản Mạn Kiến Trúc.
Thân mến
Bài viết liên quan
Một ngôi chùa được trang trí bằng những mảng gạch men tươi sáng phối trí đầy ngẫu hứng, thể hiện những đặc điểm độc đáo về thẩm mỹ cộng đồng của người Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Khải Tường, nơi Hoàng đế Minh Mạng ra đời, đã hoàn toàn biến mất song lại chứa nhiều chỉ dấu quan trọng cho lịch sử Sài Gòn - Gia Định và miền Nam nói chung.