Chùa Chén Kiểu - Một kiến trúc đồng kiến tạo

វត្ត​សិរី​សុខុម​សង្គម​មាន​ជ័យ​

24-05-2024

Một ngôi chùa được trang trí bằng những mảng gạch men tươi sáng phối trí đầy ngẫu hứng, thể hiện những đặc điểm độc đáo về thẩm mỹ cộng đồng của người Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Chùa Chén Kiểu tọa lạc bên cạnh quốc lộ 1, thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12km. Chùa được kiến lập năm 1815 trong khu đất làng Sro Lôn (ស្រឡូង). Sro Lôn là tên con rạch chảy dọc theo đường làng, cũng được dùng để đặt tên làng và tên chùa, về sau người dân phát âm trại đi nên chùa mang tên Chùa Sà Lôn.

Ban đầu, ngôi chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và lá. Chùa bị hư hại nặng trong giai đoạn chiến tranh. Đến năm 1969, hòa thượng Tăng Đouch (តាំង ឌុច) quyết định tiến hành tu bổ nhiều hạng mục, bao gồm phần chánh điện. Do thiếu vật liệu xây dựng và thiếu kinh phí, hòa thượng kêu gọi cộng đồng trong vùng đóng góp các vật liệu mà họ có sẵn. Những vật liệu ngẫu nhiên như chén, dĩa, gạch men đã được người dân mang đến quyên góp. Hoạt động xây cất hoàn thiện vào năm 1980, từ đó cộng đồng bắt đầu sử dụng tên gọi Chùa Chén Kiểu và danh từ này được sử dụng đến ngày nay.

Khi quan sát trang trí bề mặt của ngôi chùa ở cự li gần, chúng ta có thể nhận ra những mẫu gạch khảm thường xuất hiện trên các công trình nhà phố, cửa hiệu thập niên 1960-1970. Những hoa văn hình học tráng men màu pastel tươi sáng vốn được dùng để trang trí trên mặt đứng những cửa hàng và nhà ở, nay được phối trộn một cách ngẫu hứng trên bề mặt ngôi chùa. Sự đa dạng, ngẫu nhiên và đôi chỗ lệch tông của những mảng khảm gợi ý rằng hoạt động xây dựng và trang trí đã diễn ra trong một thời gian kéo dài. Vật liệu được tích góp từ nhiều nguồn để kiến tạo nên tổng thể hoàn thiện mang một ấn tượng tươi sáng, minh họa cho cách các cộng đồng địa phương tìm thấy những giải pháp thu xếp khéo léo trong các điều kiện khan hiếm về tài nguyên và nhân lực.

Hoạt động xây dựng mang tính tập thể này cho thấy vai trò của ngôi chùa đối với cộng đồng người Khmer: chùa là mối bận tâm chung và là thành tựu kiến tạo cùng nhau, trong đó các hoạt động quyên góp, xây cất, trùng tu trở thành những nhịp điệu liên tục khiến cộng đồng kết nối với ngôi chùa và kết nối cùng nhau về mặt không gian, tôn giáo và tình cảm. Không chỉ là gạch và vữa, kiến trúc của ngôi chùa Khmer còn là sự cộng tác và sáng tạo của cộng đồng, trong đó bản thân kiến trúc được bện chặt cùng những điều kiện kinh tế, xã hội, thẩm mỹ và tinh thần của địa phương.

Bài viết và hình ảnh: Duy Khang

Nội dung thuộc khuôn khổ chương trình Đi cùng nhau_Sáng Khmer - tìm hiểu về văn hóa và kiến trúc cộng đồng Khmer Nam Bộ

Thư ngỏ về việc gây quỹ cho dự án


Quý vị thân mến, dự án Tản Mạn Kiến Trúc luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu miễn phí cho tất cả bạn đọc. Hoạt động xây dựng nội dung của dự án sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn.


Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy cân nhắc đóng góp một khoản tùy ý cho quỹ phát triển nội dung của Tản Mạn Kiến Trúc.


Thân mến

Bài viết liên quan

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ.

Gian trưng bày mô hình ‘Nhà ở truyền thống của người Khmer’ cung cấp một hình dung sơ lược về kiến trúc nhà ở dân gian của người Khmer vùng Nam bộ.