Nhà cổ Trần Hữu Nhơn giữa rộn ràng và tĩnh lặng của phố thị Sa Đéc

Tản Mạn Kiến Trúc - Nhà cổ Trần Hữu Nhơn

26Aug2022

Xuyên qua một phiên chợ sớm nhộn nhịp ở thành phố Sa Đéc, chúng tôi phát hiện một chiếc cổng cổ nằm khuất sau những bạt nhựa của các gian hàng. Người chủ nhà hiện ra sau cánh cửa và niềm nở đón chúng tôi vào thăm ngôi nhà của chú.

Chú Khiêm là thế hệ thứ tư sinh sống dưới mái nhà cổ này. Đầu thế kỷ 20, tổ tiên của chú là ông Trần Hữu Nhơn đã cho xây dựng cơ ngơi cho gia đình. Những năm 1910-1920, nhà kiểu Pháp (nhà Tây) trở thành hình mẫu cho không gian sống nhiều người mơ ước, và ngôi nhà cổ họ Trần này là một cơ ngơi lý tưởng như thế: địa thế đẹp (ngôi nhà hướng về phía dòng sông, nằm giữa phố chợ, đình miếu của đô thị cổ Sa Đéc), kiểu dáng từng rất tân thời và sớm được cập nhập nhiều tiện nghi mới vào thời điểm đó. Kể từ khi ngôi nhà được xây lên đến nay đã bốn thế hệ cùng nhau sinh sống và vun đắp ký ức cùng không gian này.

Nhà cổ Trần Hữu Nhân hiện ra giữa dãy phố chợ ven sông.

Hàng hiên rộng là nơi ánh sáng nhiệt đới trở nên dịu nhẹ, nơi người khách dừng bước điều chỉnh mũ áo trước khi bước vào không gian của gia tiên, nơi gia đình bắt ghế chuyện trò và ngắm nhìn cảnh sông mỗi sáng chiều. Các thức cột phương Tây được người thợ dân gian biến đổi để phù hợp với chiều cao của một ngôi nhà Việt. Màu sơn được thay đổi nhiều lần qua các giai đoạn khác nhau, thể hiện tính cá nhân của các thế hệ chủ nhà.

Khi cảm giác nóng rát dưới nắng vừa dịu bớt, người khách bước vào một phòng khách đầy chi tiết và màu sắc. Phòng khách người Việt là nơi người chủ bày ra những gì họ trân trọng và tự hào nhất, là sự hiện diện của nhiều thế hệ tổ tiên, những vật dụng nội thất đã gắn bó với nhiều thế hệ gia đình, những kỷ vật gợi nhắc lại công trạng và thành công của dòng họ. Người khách hạ nón để cúi chào gia tiên người chủ trước khi được mời ngồi vào bộ bàn ghế được bày trang trọng ở giữa nhà.

Những chiếc cột và lan can chia phòng khách thành ba phần: gian giữa dành để thờ Phật, hai gian bên để thờ các thế hệ tổ tiên. Sau bàn thờ Phật có hai cánh cửa dẫn ra không gian riêng tư phía sau. Dụng công trang trí kết thúc ở nơi cánh cửa ấy, sự giàu có về chi tiết nơi phòng khách nhường chỗ cho sự đơn giản và tiện dụng ở nhà sau, nơi thuộc về riêng gia đình và được dành cho việc nấu ăn, không gian ngủ và cất giữ vật dụng riêng.

Nội thất ngôi nhà toát ra vẻ ấm áp với tông nâu chủ đạo. Tường vốn được trang trí bằng tranh tường sáng màu, nay đã chuyển thành màu vàng nâu qua thời gian. Chiếc ghế tựa được thiết kế theo mẫu của hãng Thonet, làm bằng gỗ uốn cong. Ghế Thonet (thường được người miền Nam đọc là Tô-nê) được sản xuất ở các làng nghề gỗ trong nước (tiêu biểu như làng Thủ Dầu Một) và người dân ưa chuộng. Chiếc đèn xưa tỏa ra ánh sáng màu vàng ấm áp và soi rõ chân dung trắng đen của một vị tổ tiên ở trên cao.

Một cánh cửa dẫn đến một căn phòng riêng. Trên tường treo một khung ảnh trắng đen chứa đầy kỷ niệm được tích lũy qua thời gian.

Nhà trước và nhà sau được tách ra bằng bằng một khoảng sân nhỏ.

Hình ảnh hành lang của ngôi nhà được lựa chọn làm hình ảnh minh họa cho bìa quyển sách “Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ - một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam” do Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện, phối hợp cùng Nhã Nam. Hành lang là một không gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài, giữa tiếng lao xao của phố chợ và trạng thái yên tĩnh nơi đời sống gia đình, là một sự giao thoa của những ảnh hưởng phương Tây cùng âm hưởng Việt Nam. Quyển sách của Tản Mạn Kiến Trúc cũng nằm ở những ranh giới chuyển tiếp ấy, như một khả năng truyền cảm hứng cho những cuộc kiếm tìm di sản của bạn đọc trong tương lai.

Lời ngỏ

Tản Mạn Kiến Trúc là một dự án nghiên cứu độc lập với mục tiêu giới thiệu vẻ đẹp của di sản kiến trúc đến cộng đồng. Hành trình của Tản Mạn Kiến Trúc sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự đóng góp từ quý vị bạn đọc.

>>> ĐÓNG GÓP

Bài viết liên quan

Ngôi nhà là một minh chứng cho giai đoạn giao lưu Pháp Việt ở đầu thế kỷ 20, khi những ảnh hưởng từ Pháp song hành cùng truyền thống trang trí của Việt Nam trong cùng một không gian.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.

Quay lại trang chính