Ngược dòng thời gian trở về Sài Gòn năm 1898 qua họa đồ của Gaston Pusch

Một phần của họa đồ Gaston Pusch 1898, với Nhà thờ Đức Bà ở góc trên bên phải.

03Oct2021

Bản đồ ban đầu là cái gì đó phản chiếu thực tại, là cái gì đó được làm ra chính xác qua đo đạc thực tế, người làm ra bản đồ đều mong muốn người ta có thể nhìn vào bản đồ để thấu hiểu trọn vẹn mọi kết cấu và mặt bằng mà nó tượng trưng qua các ký hiệu.

Song chính ở sự "chính xác thực tế" này nó hàm chứa cả khả năng vừa phủ nhận vừa thay thế cho "thực tế".  Bởi "thực tế" quang cảnh là những sẽ thứ sẽ qua đi cùng năm tháng, tất cả các thành luỹ, con phố và tòa nhà được vẽ trên bản đồ đều có thể bị xoá hết mọi dấu vết… chỉ còn lại các ký hiệu làm bằng chứng trên bản đồ về sự hiện diện của chúng. Để cuối cùng những thông tin kiến trúc mà “bản đồ” chứa đựng, là tất cả các cam kết còn lại của người xưa để ta còn có thể tịn rằng các công trình không còn tồn tại đã từng phải vẫn ở đâu đó trên “thực tế"… dẫu chúng chẳng còn gì hơn ngoài là ký ức. Những gì con người xây dựng nên mọi thứ trong thế gian vật chất, rồi vật chất cố định và giới hạn thế giới nhận thức của loài người…

Toàn bộ họa đồ. Tác giả hình họa: Gaston Pusch. Do Claude et Cie. xuất bản. 1898. 

Xưởng tàu Ba Son

Xưởng tàu Ba Son được hoàn thành năm 1888. Sau quá trình khảo sát địa thế, các kỹ sư người Pháp chọn vị trí nằm ở điểm giao giữa sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè. Xưởng Ba Son có vai trò quan trọng trong ngành hàng hải của Đông Dương. Đến năm 2016, xưởng tàu bị phá hủy để nhường chỗ cho những dự án mới của thành phố.

Thảo Cầm Viên

Chỉ sau 5 năm chiếm được Sài Gòn, các quan chức người Pháp đã cho xây dựng một vườn thú vào năm 1864 và diện tích của khu vườn này liên tục được mở rộng ra các năm sau đó. Năm 1865, ông Loius Pierre được cử làm giám đốc và có những đóng góp quan trọng về nghiên cứu hệ sinh thái Đông Dương, đồng thời góp phần quy hoạch hệ thống cây xanh trên các tuyến đường của thành phố. Ngày nay, tượng của ông vẫn còn trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên.

Thành Martin des Pallières

Toàn cảnh khu đất, với nửa trên ngày nay thuộc về Đài truyền hình HTV và Viện Nông Nghiệp trên đường Đinh Tiên Hoàng. Đại lộ ở góc dưới hình nay được đổi tên thành Đại lộ Lê Duẩn.

Ngày nay, đường Đinh Tiên Hoàng chia khu đất này làm đôi. Một số tòa nhà vẫn còn tồn tại trong khuôn viên Khoa Dược (nửa trái) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (nửa phải).

Trên nền đống đổ nát của Thành Phụng xây từ thời Minh Mạng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng căn cứ quân sự và được hoàn thành năm 1873 (tên là thành Martin des Pallières). Trong suốt các giai đoạn cầm quyền của người Pháp, khu căn cứ đã được chuyển nhượng cho nhiều đơn vị quân sự khác nhau, sau này trở thành Thành Cộng Hòa sau năm 1954 vào thời kỳ VNCH.

Sau cuộc đảo chánh năm 1963, khu vực này được chuyển giao cho Bộ giáo dục để sử dụng. Từ đó, các công trình vốn phục vụ cho chức năng phòng vệ trở thành cơ sở giáo dục của Đại học Văn Khoa và Dược Khoa (nay là ĐHKHXH&NV và Khoa Dược - ĐH Y Dược). Đường Đinh Tiên Hoàng được nối dài đến Đại Lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), chia đôi khu đất và hiện trạng như vậy được duy trì đến ngày nay.

Tháp nước

Tháp nước này tọa lạc tại vị trí ngày nay là Hồ Con Rùa hay công trường Quốc Tế.

Dinh Norodom

Dinh Norodom được xây dựng năm 1868 và là công trình Tân Baroque có quy mô lớn nhất tại miền Nam Việt Nam. Sau năm 1954, dinh thự này được bàn giao cho chính phủ QGVN, sau năm 1955 là VNCH và được đổi tên thành Dinh Độc Lập. Nơi này được sử dụng làm nơi làm việc của Tổng thống và chính phủ cho đến khi bị phá hủy trong cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Nhóm của KTS Ngô Viết Thụ đã thực hiện một công trình mới mang phong cách Modernism và là công trình còn tồn tại đến ngày nay.

Nhà thờ Đức Bà

Công trình Nhà thờ Đức Bà được hoàn thành vào năm 1880 theo đồ án của KTS J. Bourard. Hai tháp nhọn bằng hợp kim được bổ sung vào năm 1895. Trước nhà thờ đặt tượng đài của Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) dẫn hoàng tử Cảnh (con trai Nguyễn Ánh, sau là Hoàng đế Gia Long). Bức tượng này bị phá hủy năm 1945 và đến năm 1959 thì được thay bằng tượng Đức Mẹ Maria bằng cẩm thạch mà ta có thể thấy ngày hôm nay.

Ao Bồ Rệt

Vào năm 1898, tại trung tâm thành phố vẫn còn một vùng ao hồ tù đọng gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse). Chúng ta có thể thấy các ngôi nhà lá tương phản với kiến trúc ở xung quanh. Đến năm 1912, khu ao được lấp để xây dựng Chợ Bến Thành mới, đến năm 1914 thì hoàn thành. Khu Chợ Mới trở thành một trung tâm thương mại và đầu mối trung chuyển quan trọng của thành phố.

Jardin de Ville, nay là Công viên Tao Đàn

Phần đất của Công viên Tao Đàn ngày nay vốn thuộc về Dinh Toàn Quyền Pháp (nay là Dinh Độc Lập). Đến năm 1869, chính quyền thành phố tạo ra một con đường tên là Miss Clavell (nay là đường Huyền Trân Công Chúa) và tách khu đất ra làm đôi. Phần đất phía sau được đặt tên là Jardin de Ville, là một công viên lớn của thành phố và đến nay nó vẫn giữ được kích thước đáng kể. Các khu đất trống ở mép ảnh phía trên ngày nay là quận 3. Lúc này, đây vẫn là khu ngoại ô của thành phố với nhà cửa thưa thớt và diện tích chủ yếu dành cho canh tác nông nghiệp.

Bài viết liên quan

Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...