Cuộc trò chuyện giữa “Tản mạn Kiến trúc” và “K59 Atelier”: Nghiên cứu kiến trúc truyền thống miền Nam – Từ nghiên cứu đến thực hành và thực địa

Hình ảnh: Triển lãm Thích ứng và An cư, tháng 12-2024, TOTO Information Center. Thực hiện: k59 atelier, Tản Mạn Kiến Trúc, Ryosuke Koizumi

30-12-2024

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc tháng 12-2024

Nhân triển lãm Thích ứng và An cư vừa khép lại, đánh dấu sự cộng tác đầu tiên giữa K59 Atelier, văn phòng thiết kế đương đại và Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT) - dự án nghiên cứu về hệ thống kiến trúc truyền thống miền Nam, chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện này. Bài viết sẽ chia sẻ câu chuyện của về hành trình của từng dự án, điểm gặp gỡ của cả hai trong tầm nhìn khuyến khích những khuynh hướng thực hành chú trọng nghiên cứu từ thực địa, hướng đến cộng đồng.

Hình ảnh: Triển lãm Thích ứng và An cư, tháng 12-2024, TOTO Information Center. Thực hiện: k59 atelier, Tản Mạn Kiến Trúc, Ryosuke Koizumi

Nhật Nam - K59: Dự án Tản Mạn Kiến Trúc của các bạn bắt đầu từ đâu?

Hiếu Y - TMKT: Trước khi trở thành những người đồng sự cùng xây dựng một dự án với mục tiêu chung, chúng tôi là một nhóm bạn cùng chia sẻ niềm đam mê đi thực địa và tìm hiểu các di tích kiến trúc. Năm 2019, khi chứng kiến sự biến mất nhanh chóng của các công trình từng gắn bó với ký ức đô thị, thậm chí trước khi cộng đồng biết về sự tồn tại, giá trị, và câu chuyện của chúng, chúng tôi nhận thấy mình cần có một nỗ lực lưu trữ dữ liệu về những công trình đang có nguy cơ biến mất, đồng thời xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin về di sản đến với cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ. Tản Mạn Kiến Trúc ra đời sau suy tư ấy, và đến nay hai mục tiêu lưu trữ và chia sẻ dữ liệu vẫn là cốt lõi của dự án.

Cẩm Linh - K59: Cái tên Tản Mạn Kiến Trúc có ý nghĩa gì?

Trọng Nghĩa - TMKT: Khi lên ý tưởng sơ khởi cho hoạt động tương lai, chúng tôi rất trăn trở về đối tượng cốt lõi mà dự án cần hướng đến. Nhiều năm trước các phương tiện truyền thông đại chúng chia sẻ quan điểm phổ biến là người trẻ không quan tâm đến lịch sử và thiếu óc quan sát xã hội. Chúng tôi muốn chia sẻ một câu chuyện khác, khi người trẻ cũng có suy tư rất nhiều về câu chuyện của di sản, của kiến trúc, văn hoá và lịch sử. Khi ấy tôi đã mong xây dựng một dự án lấy cộng đồng người đọc trẻ làm trọng tâm, để làm được việc này nhóm đã lựa chọn ngôn ngữ truyền đạt dễ tiếp cận, giàu tính kể, và mong cầu việc kết nối giữa chuyên gia và người đọc trẻ. Cái tên “tản mạn” hàm ý đi thong thả, rồi thông qua những câu chuyện đến và đi không ngừng của di sản mà những người thuộc nhiều chuyên ngành có thể kết nối để xây dựng bức tranh nghiên cứu rõ ràng dần lên. Cũng có thể nó gợi đến tính tản mác, rời rạc đầy đặc thù của hệ thống kiến trúc có tính di sản tại miền Nam: chúng là những mảnh vỡ khuất lấp trong những làng xóm, thông tin về chúng chưa được ghi chép, còn việc đô thị hóa đang xóa sổ dần những vết tích của chúng. Sẵn đây, Hiếu có thể chia sẻ tại sao chúng ta cần lưu trữ dữ liệu?

Hiếu Y - TMKT: Khi tiếp cận kiến trúc dân dụng tại miền Nam, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại vùng xám về dữ liệu cơ bản. Hơn nữa, Tốc độ đô thị ngày một gia tăng ở hầu hết các địa phương, và sự lan truyền của thông tin và kỹ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa, nên nhiều công trình kiến trúc từ các thời kỳ trước có nguy cơ bị xóa sổ từng ngày. Sự biến mất của bản thân công trình là sự biến mất của dữ liệu về kỹ thuật xây dựng, thị hiếu, lối sống, tinh thần và các điều kiện xã hội đặc thù qua các giai đoạn lịch sử. Điều này là những tổn thất rất lớn về mặt lưu trữ, như chúng tôi quan niệm, kiến trúc không chỉ là những tồn tại vật lý mà còn là chỉ dấu cho các yếu tố văn hóa và xã hội. Chính vì thế, dự án nỗ lực xây dựng dữ liệu khảo sát từ thực địa, không chỉ đo vẽ, quay chụp công trình, mà còn phỏng vấn và ghi lại câu chuyện của các chủ nhân nhà cổ về ký ức và lối sống của họ. Đồng thời chúng tôi cũng quan tâm đến những điều kiện thực tế của đời sống trong một công trình xưa, để thấy giữa bảo tồn và phát triển bền vững là nhiều câu chuyện phức tạp. Mặt khác, chúng tôi tin rằng việc lưu trữ không chỉ cho chúng ta biết về những điều kiện sống trong các thời kỳ đã qua, mà còn cung cấp nhiều bài học và giải pháp quý giá cho hôm nay và mai sau.

Còn một lớp nghĩa mà chúng tôi muốn gửi gắm qua từ “tản mạn” là các mảnh vỡ (fragments): những câu chuyện nhỏ của các tiểu tự sự (micro narratives), những vi lịch sử (micro-histories), ký ức, trải nghiệm thân thể, sự hồi tưởng và sự lãng quên,... Chúng tôi không chỉ chú ý đến những kiến trúc kỳ vĩ mà còn lưu tâm đến mối quan hệ vi tế giữa con người và đồ vật, và giữa con người với nhau thông qua trung gian kiến trúc. Sẵn dịp nhắc tới tương tác của con người qua kiến trúc, anh Nam có thể kể lại câu chuyện của anh về sự riêng tư và kết nối trong ngôi nhà truyền thống được không?

Nhật Nam - K59: Câu chuyện này có mối liên hệ với ví dụ về bức màn mà các bạn (TMKT) quan sát và chia sẻ. Tôi lớn lên trong một gia đình đa thế hệ, nơi có tận 18 thành viên cùng sinh sống dưới một mái nhà. Từ nhỏ, tôi ngủ cạnh bà ngoại, cho đến khi tôi lên thành phố học đại học, “không gian riêng” của tôi là một bức màn quây lại, ngoài ra tôi không biết đến khái niệm phòng riêng. Qua lớp rèm mỏng, ông bà tôi có thể nghe được tiếng khóc, tiếng ho của tôi khi đau bệnh, có thể nghe thấy tiếng cười của chúng tôi khi được điểm tốt ở trường. Điều đó khiến tôi suy nghĩ nhiều về tính riêng tư, sự chia sẻ và kết nối. Sau này, trong những thiết kế của K59, chúng tôi chú tâm đến những không gian chung nơi các thế hệ gia đình cùng sử dụng. Hoạt động xây dựng hiện đại thường không dành đủ sự quan tâm cho người già. Trong thiết kế của K59, chúng tôi muốn người già không trở nên đơn độc mà được kết nối cùng con cháu qua những không gian mở, không phân cách. Sống cùng người lớn tuổi, trẻ con cũng trở nên vị tha và học được nhiều bài học cuộc sống. Chúng tôi tìm thấy nhiều sự tương đồng trong cách TMKT tư duy về kiến trúc và xã hội, và cũng rất tò mò về cách hoạt động đa ngành của các bạn?

Trần Nguyễn Tuấn - TMKT: Chúng tôi gồm có tám người từ các chuyên ngành khác nhau, hoạt động dựa trên sự trao đổi và đối thoại đa ngành nhằm đề xướng những góc nhìn đa chiều. Chúng tôi có ba thành viên từ ngành kiến trúc: Trọng Nghĩa có sự tìm tòi về kiến trúc hệ khung gỗ truyền thống, nguồn gốc và sự biến đổi của hệ khung gỗ, cùng kiến trúc đình - chùa miền Nam; Chí Thành phụ trách thực hiện bản vẽ và đóng góp về so sánh các kết cấu ngôi nhà theo đặc trưng khu vực, lập bản đồ phân bố kiến trúc; Nhật Tiến (hiện đang du học) với mối quan tâm dành cho kiến trúc cung đình Huế. Phản hồi với các phân tích kết cấu, vật liệu và phong cách từ nhóm kiến trúc, các thành viên thuộc khối Khoa học Xã hội & Nhân Văn thì tập trung vào mối quan hệ của con người với các điều kiện xã hội đa dạng được thể hiện qua kiến trúc: Hiếu Y thuộc ngành Nhân học, An Nguyên từ ngành Nghệ thuật học so sánh và Ký ức học, bản thân tôi Lịch sử - vốn có mối quan tâm đến việc tìm kiếm tài liệu lưu trữ về kiến trúc thời Đông Dương tại các văn khố Việt Nam và Pháp, Duy Khang từ Du lịch với hiểu biết về kiến trúc Khmer, cùng Huy Anh trong việc hỗ trợ quản lý vận hành.

Sự kết hợp của các phương pháp, lý thuyết, quan điểm đa dạng hướng đến phân tích đa chiều lẫn việc xây dựng lối nghiên cứu - thực hành có nhiều cân nhắc. Nguyên đã đồng hành từ giai đoạn xây dựng các cốt lõi và nguyên tắc của dự án.

An Nguyên - TMKT: Trong những năm vừa qua, chúng tôi dần củng cố phương pháp và nguyên tắc hoạt động. Nghiên cứu điền dã bao gồm việc tiếp xúc thường xuyên với các cộng đồng khác nhau, vì thế chúng tôi cố gắng xây dựng những bộ quan điểm - tiêu chuẩn theo thông lệ của nhiều ngành khoa học hiện tại, như nguyên tắc đạo đức, quan điểm với cộng đồng... Những điều này chính là nền tảng để chúng tôi lựa chọn đối tượng và thao tác nghiên cứu. Nói như vậy không có nghĩa những quan điểm của chúng tôi là bất biến. Từ kinh nghiệm điền dã, chúng tôi luôn tái xét hoạt động của dự án để thay đổi hay củng cố những hệ giá trị mà dự án theo đuổi. Các Nguyên tắc trọng tâm mà chúng tôi có lẽ sẽ luôn tuân thủ bao gồm: Nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu khi tương tác với cộng đồng, đặt cộng đồng làm trọng tâm, Gìn giữ niềm tin của một người làm khoa học luôn là để bảo vệ cho kiến thức, cho sự trung lập của khoa học, Mỗi bài nghiên cứu, quan điểm đều là thành quả liên ngành, chứa tiếng nói và tri thức của cộng đồng tham dự vào quá trình nghiên cứu, đến kiến thức của các bậc tiền bối. 

Trong hoạt động liên ngành, qua những lần điền dã, qua những hội thảo khoa học mà chúng tôi được trao đổi với các học giả, cũng gợi đến một nguyên tắc hay niềm tin trụ cột khác của chúng tôi là: Khoa học là con đường không ngừng thay đổi và cải thiện. Như việc xem xét lý thuyết lịch sử nghệ thuật, lịch sử kiến trúc từ góc nhìn hậu thuộc địa (postcolonial theory) hay việc bản thân các quốc gia như Việt Nam từ xưa cũng sở hữu nhiều nền tảng riêng để gợi đến việc xây dựng các mô hình đa trung tâm (multi-centric models). Nhóm học cách nhìn nhận kiến trúc qua các trải nghiệm tự thân và quá trình điền dã, để hiểu hơn có lẽ những ngôi nhà truyền thống luôn là những khối ký ức đầy sức nặng mà lý thuyết về tân vật chất (New Materialism) thường gợi nhắc… Từ một người học tập trong một ngành học có khuynh hướng làm việc chủ yếu trên văn bản, tôi đã dần học kỹ năng điền dã - sống trải trên các địa bàn và học hỏi trong sự liên ngành.

Hiếu Y - TMKT: Trong năm 2024, chúng tôi bắt đầu có dịp kết nối, cộng tác và chia sẻ quan điểm nhiều hơn với các văn phòng kiến trúc. Điều này đánh dấu sự mở rộng hoạt động suy tư, khi trước đây chủ yếu chúng tôi trò chuyện với người dân, nhà nghiên cứu và bạn đọc, thì giờ đây chúng tôi được biết thêm câu chuyện thực hành. Dự án của chúng tôi đã rất phấn khởi khi được biết nghe văn phòng K59 chia sẻ mối bận tâm về sự thay đổi của kiến trúc truyền thống và tri thức địa phương?

Nhật Nam - K59: Ở thời hiện đại, chúng tôi luôn cập nhật công nghệ mới và cố gắng đưa vào không gian sống những tiện nghi mới nhất như máy điều hòa, tùy tiện lợi song chúng cũng mang đến nhiều vấn đề. Từ kiến trúc của ông bà, chúng tôi nhận ra có nhiều giải pháp trong kiểm soát khí hậu, thể hiện qua hệ khung chịu lực, khả năng lưu thông gió, sự linh hoạt của hệ cửa. Khi các bản vẽ mặt cắt, mặt bằng, chi tiết cửa được vẽ lại, chúng tôi mới cảm thấy mình còn thiếu kiến thức rất nhiều, những gì đọc trên sách không thể bằng một ngày điền dã tới các công trình cổ. Cảm nhận bằng mắt, đo đạc bằng thước giúp chúng tôi hiểu hơn một ngôi nhà trăm năm tuổi.

Với người xưa, xây nhà là một việc hệ trọng, ngôi nhà như một gia sản truyền lại từ nhiều đời. Ngày nay, ý nghĩa đó ít nhiều không còn được quan trọng. Gian thờ cúng cũng trở thành một gian ít được chú ý đến. Sự liên lạc giữa người sống và tiền nhân trở thành một điều xa xỉ. Công nghệ hiện đại, smart house, smartphone dần chia cắt người trẻ tuổi ra khỏi các mối quan hệ gia đình, dòng họ và vốn dĩ ngày xưa đã từng rất hệ trọng. Thích ứng và An cư với chúng tôi không chỉ là một suy nghĩ về cái cũ, mà còn là một lời gợi mở về mối quan hệ mới. Mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa con người với ngôi nhà của mình, cùng suy tư về sự tiếp nối giữa những tri thức bản địa và sự ứng biến thích nghi với môi trường mới tạo nên một làn sóng kiến trúc mới – Kiến trúc Thích ứng Nhiệt đới Mới (New Tropical Adaptive Architecture). Còn cảm nhận về kiến trúc truyền thống của Linh thì thế nào?

Cẩm Linh - K59: Tôi và anh Nam sinh ra và lớn lên ở hai môi trường khác nhau, tôi đến từ Bắc Trung Bộ và anh Nam từ miền Tây Nam Bộ. Tuy khác nhau về nền tảng địa phương, chúng tôi có cùng niềm yêu thích quan sát và ghi chép môi trường sống quanh mình. Chúng tôi thích nhặt nhạnh những mẩu chuyện nhỏ hoặc chầm chậm quan sát một không gian. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Bắc Trung Bộ, từ nhỏ tôi đã sống rất gần với tự nhiên và cây cỏ, gần với những người hàng xóm xung quanh mình, trong một mối quan hệ hàng xóm và họ hàng rất thân thiết. Tôi từng sống trong một dãy kí túc xá của trường học, nơi mẹ tôi làm việc, giữa những gia đình khác. Chính sự thân thiết của con người đã hướng tôi một cách tự nhiên đến việc quan sát các yếu tố truyền thống, và nhận thấy rằng các yếu tố này có thể gợi ý nhiều cho thực hành của mình. Từ các gợi ý truyền thống, chúng tôi đã đúc kết nên chín đặc trưng trong thiết kế của mình: 1) Hệ sàn rỗng giúp đối lưu không khí ở mặt đáy, 2) Mặt tiền nhiều lớp giúp tối ưu hiệu quả cách nhiệt và tính riêng tư, 3) Mái nhiều tầng và thoát gió đỉnh mái để mang lại không khí dễ chịu, 4) Hiên và không gian chuyển tiếp, 5) Kết cấu rỗng và những khoảng thông tầng, 6) Hệ cửa linh hoạt, 7) Cây xanh, mặt nước và sân trong, 8) Ưu tiên vật liệu “thở được”, 9) Hạn chế bê tông hóa bề mặt. Việc xây dựng môi trường sống gần gũi với tự nhiên, thân thiện với con người chính là các yếu tố cốt lõi trong kiến trúc thích ứng khí hậu và phát triển bền vững.

Quá trình thực hiện triển lãm “Thích ứng và An cư” cùng Tản Mạn Kiến Trúc và người bạn Rysuke Koizumi đã mang đến nhiều dịp cùng nghiên cứu, đi thực địa và trao đổi suy tư về truyền thống và đương đại. Chúng tôi rất thích ý tưởng “Bách bộ” - thong thả đi dạo để quan sát được nhiều hơn, mà các bạn phát triển qua dự án Năm Năm Tháng Tháng. Hãy kể thêm về điều này nhé!

Duy Khang - TMKT: Năm 2022, dự án Năm Năm Tháng Tháng (NNTT) được xây dựng, hoạt động trong khuôn khổ của Tản Mạn Kiến Trúc. Tôi gia nhập như một thành viên về mặt vận hành của Năm Năm Tháng Tháng, sau đó một năm thì có Huy Anh cùng tham gia. Mục tiêu của NNTT là phát triển nên những chương trình ứng dụng từ bộ dữ liệu mà TMKT xây dựng, cho ra đời tập hợp các chương trình hướng tới cộng đồng như Bách Bộ, Trà Đàm, Chương trình Ngôn ngữ, Chuỗi trò chuyện và thảo luận đa ngành. Các chương trình mong muốn kết nối cộng đồng người trẻ với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tạo ra đối thoại liên ngành, liên thế hệ. Cộng tác với dự án cho phép tôi phát triển kỹ năng quản lý, tổ chức, lẫn trao dồi phương pháp nghiên cứu, nền tảng lý thuyết, kỹ năng lưu trữ dữ liệu, và tăng cường sự nhạy bén trong việc quan sát cuộc sống.

Huy Anh - TMKT: Tôi tham gia hỗ trợ các anh chị trong việc quản lý vận hành,  hỗ trợ các hạng mục đều phối lịch công việc, quản lý tài chính, cùng thiết kế báo... Tôi đã học hỏi được nhiều từ thời gian cộng tác với dự án, như cách hỗ trợ và điều phối công việc trong trường nghiên cứu liên ngành, được tiếp xúc với chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, và thấy rằng mọi người đều cởi mở với các ý tưởng, đề xuất và quan điểm khác nhau. Tôi học cách quản lý tài chính trong một dự án phi lợi nhuận với nguồn quỹ chẳng bao giờ dồi dào, học cách độc những báo cáo đa ngành… và cũng là nơi cho tôi nhiều cơ hội sống trải với cộng đồng, thích nghi với các thay đổi từng giờ từ tình hình tổ chức chương trình, tổ chức chuyến đi và các vấn đề đa dạng gặp phải trong môi trường thực địa. Tôi học chuyên ngành xử lý dữ liệu nhưng đứng trước các vấn đề phức tạp mà dự án luôn gặp phải… quả thực đã khiến tôi thấy rằng tôi phải học hỏi nhiều lên. Và tôi cũng dần biết quan sát hơn, biết yêu kiến trúc hơn, tôi học cách đối xử đúng mực hơn với các hữu thể hiện hữu xung quanh con người hàng ngày như các di sản, các hệ sinh thái. Trước khi kết lời, Nguyên hãy chia sẻ thêm về hướng đi của dự án.

An Nguyên - TMKT: Với cốt lõi là một dự án cộng đồng, Tản Mạn Kiến Trúc và Năm Năm Tháng Tháng mong muốn tạo dựng một mạng lưới trao đổi, đối thoại. Nghĩ lại ba năm đầu của dự án nhóm đã dành cho hoạt động thu thập dữ liệu, và hai năm tiếp theo để phát triển chương trình văn hóa - sáng tạo, vậy chỉ mong trong tương lai gần, chúng tôi có thể thúc đẩy nhiều hơn sự cộng tác giữa người làm nghiên cứu, chủ công trình kiến trúc, nhà thiết kế, để cùng kiến tạo những khuôn mẫu thực hành dựa trên nền tảng nghiên cứu. Đây vẫn sẽ là dự án hướng tới cộng đồng, và cân nhắc tới các điều kiện địa phương.

Thư ngỏ về việc gây quỹ cho dự án


Quý vị thân mến, dự án Tản Mạn Kiến Trúc luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu miễn phí cho tất cả bạn đọc. Hoạt động xây dựng nội dung của dự án sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn.


Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy cân nhắc đóng góp một khoản tùy ý cho quỹ phát triển nội dung của Tản Mạn Kiến Trúc.


Thân mến

Bài viết liên quan

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ.

Gian trưng bày mô hình ‘Nhà ở truyền thống của người Khmer’ cung cấp một hình dung sơ lược về kiến trúc nhà ở dân gian của người Khmer vùng Nam bộ.