Chùa Giác Lâm - Ngôi cổ tự quý báu của Sài Gòn - Gia Định

Chùa Giác Lâm là một trong số ít các ngôi chùa cổ của miền Nam còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn đến nay. Ngôi chùa cho ta một hình dung về kiến trúc gỗ truyền thống của khu vực miền Nam thế kỷ 18, đồng thời lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử Phật giáo qua nhiều thời kỳ lịch sử.

LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ XÂY DỰNG

Theo tài liệu lịch sử[1], vào năm 1744, một người xã Minh Hương tên là Lý Thuỵ Long đã quyên góp tiền xây dựng một ngôi chùa trên gò Cẩm Sơn[2], một khu vực đất cao hơn so với cảnh quan trũng thấp xung quanh. Người dân gọi công trình đầu tiên này bằng tên thông dụng là chùa Cẩm Đệm, đây là tiền thân của tổng thể chùa Giác Lâm về sau.

Trong gần 3 thập niên đầu từ năm 1744 đến năm 1772, chùa mang chức năng của một Niệm Phật Đường mà không có tăng sĩ trụ trì. Ông Lý Thuỵ Long sang chùa Từ  n xin Hoà thượng Linh Nhạc - Phật Ý cử một vị hoà thượng về làm trụ trì chùa Cẩm Đệm, và thiền sư Viên Quang bắt đầu về làm trụ trì từ năm 1774 và cho đổi tên chùa thành chùa Giác Lâm. Kể từ đó, hoạt động của ngôi chùa được mở rộng và thu hút nhiều Phật tử đến Quy y, tu tập.

Với cương vị là vị tổ đầu tiên của chùa Giác Lâm, thiền sư Viên Quang đã tiến hành hoạt động trùng tu và mở rộng kiến trúc chùa trong giai đoạn năm 1798 đến năm 1804. Đợt đại tu này để lại các cấu trúc gỗ quan trọng, định hình tổng thể chùa như hiện trạng ngày nay có thể quan sát được. Sau đó khi Thiền sư Hồng Hưng trở thành trụ trì, từ năm 1900 ông tiếp tục hoạt động xây cất trên hiện trạng kiến trúc từ đời tổ sư Viên Quang, cho thực hiện đợt trùng tu lần thứ hai, bổ sung dãy diềm bờ mái và đỉnh tường khảm các dĩa sành sứ.

Chúng ta có thể nhận thấy hai thời kỳ xây dựng với hai lớp ảnh hưởng khác nhau: Đợt xây dựng năm 1798-1804 dưới thời thiền sư Viên Quang với kỹ thuật xây dựng và trang trí truyền thống trên vật liệu gỗ; từ những năm 1900 có sự xuất hiện của các vật liệu và kỹ thuật hiện đại, cùng hệ thống phù điêu trang trí chịu ảnh hưởng của Pháp.

KIẾN TRÚC

Cổng và sân

Chúng ta cùng tưởng tượng một chuyến viếng thăm chùa. Trước mắt chúng ta là cổng tam quan, một cấu trúc bằng bê tông được xây vào năm 1955. Bước qua chiếc cổng này và băng qua những tán cổ thụ, chúng ta sẽ đối diện với một chiếc cổng nhị quan được xây dựng trong khoảng đầu những năm 1900, giai đoạn kiến trúc Tây đã có sự ảnh hưởng rộng rãi trong kiến trúc dân gian ở miền Nam.

Cổng gồm có hai lối vào và một bức bình phong ba tầng. Tầng dưới để trơn, có hoa văn dạng chân quỳ; tầng giữa có nhiều gờ chỉ hoa văn, dòng chữ Hán 箱神娃寶  (Bảo trụ thần phan); tầng trên cùng nhỏ hơn chút, trang trí đường diềm bằng dãy phù điêu hình lá cọ (palmette[3]), hai tượng sư tử đặt ở hai bên; mặt trước khắc dòng chữ Hán ‘Ô Quang Thái Tử’, mặt sau là ‘Ô Minh Thái Tử’; trên đỉnh trang trí bằng một chiếc bình sứ men xanh những năm đầu thế kỷ 20.

Theo phân tích của tác giả Trần Hồng Liên (2008)**, chiếc bình phong này được tạo ra với một dụng ý đặc biệt. Thay vì tạo ra ba lối vào theo kiểu tam quan thường thấy, chiếc bình phong này chắn lối đi ở giữa, hai dòng chữ ‘Ô Minh - Ô Quang Thái Tử’ ngụ ý rằng cánh cửa này chỉ dành cho ‘con trời’, điều này có nghĩa là con người không được bước qua mà phải đi vào bằng cửa hai bên. Nếu chúng ta sử dụng phân tích của tác giả Trần Hồng Liên, chiếc bình phong này có thể được xem như một sự phản ứng của tăng sư và người dân Việt Nam đầu thế kỷ 20 với việc các quan chức người Pháp thường xuyên ra vào bằng cửa chính giữa của các công trình quan trọng, vốn là trục dành riêng cho các bậc linh thiêng. Bằng cách đóng kín trục giữa, họ đã ngăn chặn các quan chức người Pháp và bắt buộc họ tuân theo các truyền thống địa phương.

Sau cổng Nhị Quan có một cây bồ đề cổ thụ từ Sri Lanka do Đại Đức Nadara tặng chùa vào năm 1953. Cội cổ thụ 70 năm tuổi tỏa bóng lên khoản sân lát gạch nung trước chùa, và tại đây chúng ta sẽ bắt gặp cấu trúc đầu tiên trong quần thể chùa gỗ 2 thế kỷ.

Mặt bằng tổng thể

Bố cục tổng thể kiến trúc chùa có dạng chữ Tam (三), gồm ba dãy nhà gỗ nối tiếp nhau trên một trục, theo thứ tự sử dụng hiện nay, dãy nhà đầu tiên là Chánh điện và Tổ đường, dãy thứ hai là Giảng Đường, tiếp đến có một sân nhỏ và đến dãy thứ ba là Trai Đường. Ở đây chúng ta lưu ý về cách thức mở rộng không gian sử dụng trong kiến trúc truyền thống Việt Nam (và khu vực nói chung), các gian nhà được mở rộng theo chiều sâu thay vì xếp tầng theo phương đứng, các mái đặt nối tiếp nhau, để xử lý vấn đề về chiếu sáng và thông khí cho tổng thể quá dài, họ ngắt các dãy nhà bằng sân thiên tỉnh và bổ sung các điểm mở trên đầu hồi.

Bộ khung kết cấu theo hình thức ‘xuyên-trến’ du nhập từ miền Trung. Dãy thứ nhất và dãy thứ hai có bộ khung kiểu Tứ Trụ, bốn cột chính đặt ở giữa tạo thành một gian trung tâm, xung quanh là các chái, cấu trúc một gian thường dành riêng cho không gian thờ Phật, Thần. Dãy Trai đường phía sau cấu trúc theo kiểu 3 gian 2 chái.

Dãy nhà thứ nhất

Trong bố trí mặt bằng sử dụng chùa gỗ truyền thống, dãy nhà thứ nhất thường được chia thành hai khu vực: nửa phía trước là Chánh điện thờ Phật, nửa phía sau là Tổ đường thờ các vị tổ sư và tăng sĩ quá cố.

Chúng ta cùng bước vào Chánh điện, dãy nhà quan trọng nhất trong tổng thể chùa. Bộ khung của đơn nguyên tạo thành một không gian 1 gian 2 chái kép, mặt bằng gần vuông chia 5 gian theo bề ngang, 6 gian theo bề dọc (gian hiên mặt tiền). Các cột gỗ trong chùa đều là những thân cây gỗ tốt đường kính 30cm, 4 cột hàng hiên cùng các cột trong chánh điện được chạm khắc trực tiếp (thay vì được ốp bằng các chi tiết rời) các câu đối theo dạng liễn, cùng các phù điêu dây hoa, sóc nho, bí-chuột, các vị La Hán v.v... Chạm khắc trực tiếp trên thân cột đòi hỏi kỹ thuật xử lý gỗ cao, để có thể vừa triển khai hình dáng của họa tiết, vừa không làm nứt toàn khối gỗ.

Tổ đường là khu vực nửa sau của dãy nhà thứ nhất, được ngăn cách với Chánh điện bằng bức tường gạch trang trí hoa văn kiểu phương Tây. Tại đây có ba án thờ các vị tổ sáng lập chùa thuộc phái Lâm Tế: Đại lão tổ Hoà thượng Phật Ý Nhạc Công, Đại lão Hoà thượng Viên Quang Tổ Tông, Đại lão Hoà thượng Tiên Giác Hải Tịnh. Các bài vị làm bằng gỗ, chạm khắc phù điêu. Khu vực này còn chứa nhiều hoành phi, liễn đối, bao lam chạm trổ tinh xảo.

Chúng ta cũng cần lưu ý về luồng di chuyển bên trong chùa miền Nam. Khu chánh điện thường đóng cửa trước. Khách viếng chùa đi vào bằng cửa hông và tiếp cận lớp nhà thứ nhất từ phía sau, trước tiên bước vào khu Tổ đường, sau đó mới vào khu thờ Phật. Luồng di chuyển như thế này thường được áp dụng cho phần lớn các ngôi chùa ở miền Nam. [Xem bản vẽ bên dưới]

Dãy nhà thứ hai

Giảng đường tiếp liền sau đó được xây dựng như chánh điện kiểu tứ trụ, hai gian hông đặt bài vị phật tử quá vãng, ba gian giữa đặt các bộ bàn dài để tiếp khách và để chư tăng dùng bữa. Tại đây có các án thờ Phật A-di-đà, Bồ tát Chuẩn Đề,... và lưu các bộ tượng thờ cũ của chùa. Các cột trụ ở gian nhà này cũng có họa tiết, bao gồm các câu đối và diềm hoa lá, dây bí khéo léo.

Dãy nhà thứ ba

Trai đường được cách khỏi Giảng đường bằng một sân thiên tỉnh có hòn non bộ và cây cảnh, kết nối bằng hai hành lang ngắn hai bên sân. Đây là một toà nhà đơn 3 gian 2 chái, có không gian rộng rãi dùng làm chỗ thọ thực. Bức tường vách sau cùng của Trai đường là nơi đặt bàn thờ Giám Trai, thường được thờ ở gian bếp hoặc trai đường tại các chùa miền Nam xưa. Trên vách tường trang trí gờ chỉ, đầu cột kiểu phương Tây và khảm nhiều dĩa sành sứ đẹp mắt. Theo ghi chép, kèo cột của gian nhà này vốn thuộc về chánh điện cũ và được sử dụng lại khi chùa được trùng tu lần đầu tiên năm 1798 dưới thời thiền sư Viên Quang.

Chùa Giác Lâm là một tổng thể chùa cổ miền Nam hiếm hoi còn được bảo quản tương đối nguyên vẹn, minh họa cho sự biến đổi của kiến trúc miền Nam từ giai đoạn truyền thống đến khi tiếp nhận ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây.

Bài viết: Nick

Hình ảnh: Nick, Duy Khang

Bản vẽ: Leo

CHÚ THÍCH

[1] Trần Hồng Liên (2008). Chùa Giác Lâm - Di tích Lịch sử văn hóa. NXB Hà Nội.

[2] Thông tin này cung cấp một lưu ý thú vị về địa hình của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Khu vực quận Tân Bình vốn có các gò đất cao xen giữa những khu trũng thấp. Các gò đất thường được chọn để xây cất chùa, miếu, thậm chí có các di chỉ cư trú của các nền văn hóa trước người Việt (ví dụ Óc Eo tại di chỉ chùa Gò - chùa Phụng Sơn,). Hoạt động xây cất và quy hoạch đô thị trong nhiều thế kỷ đã làm biến dạng khu vực này và sự tương phản giữa các khu đất gò - đất trũng không còn có thể cảm nhận trực tiếp nữa.

[3] Họa tiết lá cọ (palmette) là một mô típ trang trí phổ biến trong truyền thống tạo hình châu  u. Trong kiến trúc Việt Nam thời thuộc địa, mô típ này thường được dùng để trang trí đường diềm và nhấn mạnh góc đỉnh tường, có thể bắt gặp trong công trình Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, bình phong và các tháp mộ ở chùa Giác Lâm và Giác Viên, cùng nhiều khu mộ khác ở miền Tây Nam Bộ. Các tài liệu thường đồng nhất mô típ này với rắn Nagar trong trang trí Khmer, chúng tôi cho rằng cần phân biệt hai tạo hình này để có sự chính xác về mặt lịch sử.

Thư ngỏ về việc gây quỹ cho dự án


Quý vị thân mến, dự án Tản Mạn Kiến Trúc luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu miễn phí cho tất cả bạn đọc. Hoạt động xây dựng nội dung của dự án sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn.


Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy cân nhắc đóng góp một khoản tùy ý cho quỹ phát triển nội dung của Tản Mạn Kiến Trúc.


Thân mến

Bài viết liên quan

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ.

Chùa Khải Tường, nơi Hoàng đế Minh Mạng ra đời, đã hoàn toàn biến mất song lại chứa nhiều chỉ dấu quan trọng cho lịch sử Sài Gòn - Gia Định và miền Nam nói chung.