/Bóc tách/ Chợ Bến Thành và hành trình từ đầm lầy lên phố chợ
4Mar2023
Khởi đi từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914 chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của Chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm thập kỷ tranh luận và kiếm tìm giải pháp xây dựng thành phố. Bài viết được thực hiện trong chuyên mục cộng tác giữa TMKT và Saigoneer.
Hành trình năm thập kỷ kiếm tìm một khu chợ "xứng tầm"
Trong công trình nghiên cứu về các tiểu thương của Chợ Bến Thành, nhà nhân học Ann Marie Leshkowich (2014) mô tả chi tiết về các cuộc thảo luận của giới chức thành phố thuộc địa liên quan đến việc xây dựng một cơ sở thương mại mới, mà theo lời của họ là một nơi “xứng tầm” với đô thị Sài Gòn mà họ đang góp phần tạo dựng. Thông qua các cuộc thảo luận này, chúng ta cũng có thể hiểu cách những nhà chức trách đô thị hình dung về quy hoạch đô thị, về ý niệm văn minh mà mãi về sau vẫn có tác động đến sự phát triển của các đô thị Việt Nam.
Ga Orléans ở Pháp được đề xuất làm công trình tham khảo.
Vào năm 1868, lúc này người Pháp chỉ vừa dò dẫm thiết lập hệ thống thuộc địa tại Việt Nam được chừng một thập niên, các ủy viên Hội đồng Thành phố (Conseil Municipal) bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng một khu chợ mới bằng kim loại, thay thế cho khu chợ bằng lá. Năm 1869, gói kinh phí 110,000 francs được thông qua nhưng đến năm 1870, kinh phí ước toán đã tăng lên gấp ba lần khiến cho các đề xuất về vật liệu và kỹ thuật xây dựng phải được xem xét lại. Một số ủy viên của Hội đồng đã kiến nghị tham khảo kết cấu bằng sắt của ga Orléans để thiết kế khung nhà lồng chợ (Leshkowich, 2014, 34). Lúc bấy giờ, kết cấu khung sắt là lựa chọn mang tính tiết kiệm về kinh phí, lắp đặt nhanh, nhẹ và tạo ra không gian bên trong rộng hơn so với công trình xây dựng bằng cột và tường chịu lực như trước. Về sau, kết cấu khung sắt được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng cầu và công trình công cộng (mà Bưu điện Trung tâm Thành phố là một ví dụ). Nhưng trong giai đoạn này, việc ứng dụng cấu trúc khung sắt vẫn còn đang được tranh luận.
Cùng năm 1870, chợ cũ (lúc này nằm ở khu kinh Chợ Vải, nay là đường Nguyễn Huệ) bị cháy và Hội đồng thấy rằng không nên xây chợ mới bằng mái tranh, bởi vì điều này đe dọa đến an toàn phòng cháy trong trung tâm thành phố. Lúc bấy giờ, nhà khung tre gỗ lợp mái tranh vốn còn phổ biến và các quan chức tìm cách chuyển đổi các khu phố sang nhà tường gạch để an toàn và thẩm mỹ hơn. Vấn đề vệ sinh cũng được quan tâm thảo luận vì chợ truyền thống thường được đặt ngay trên nền đất, được xem là kém vệ sinh. Vì lẽ đó, các thành viên hội đồng nhất trí rằng chợ mới cần phải lót nền đá và có hệ thống nước để vệ sinh cuối mỗi ngày.
Một cấu trúc mới bằng gỗ, ngói và sàn đá được xây dựng năm 1872 thay cho khu chợ cũ bị cháy năm 1870. Ảnh chụp chợ Bến Thành trên đường Charner, ngày nay là đường Nguyễn Huệ.
Khu chợ mới được xây dựng vào giữa năm 1872 do nhà thầu Albert Mayer thực hiện, với cấu kết cấu bằng gỗ, lợp ngói, sàn lót đá granite (Leshkowich, 2014, 35). Khu chợ này góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng cấp thiết của thành phố, nhưng còn rất khiêm tốn so với hình dung của các ủy viên về một khu thương mại “xứng tầm” mà họ cho rằng Sài Gòn xứng đáng được thụ hưởng. Nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố bị chửng lại vì chiến tranh Pháp-Phổ (1870-71) khiến cho các khoản đầu tư kinh phí bị gián đoạn, nhiều công trình quan trọng như Bưu điện Trung tâm Thành phố cũng bị đình trệ trong các thập niên 1870 và 1880.
Đến năm 1893, mãi hai thập niên sau chiến tranh Pháp Phổ, việc xây dựng các tòa nhà công cộng trong thành phố mới xuất hiện lại trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Thành phố. Để kiến tạo diện mạo mới cho thành phố, thị trưởng đã đề xuất xây dựng ba công trình là nhà hát, tòa thị chính và chợ trung tâm. Nhà hát Thành phố sẽ được hoàn thành 7 năm sau đó, Tòa thị chính (Hôtel de Ville) hoàn thành năm 1908, còn khu chợ trung tâm tiếp tục bị trì hoãn vì nhiều vấn đề cần phải tranh cãi.
Ao Bồ Rệt trong họa đồ Gaston Pusch (1898). Họa đồ này cho thấy sự tương phản về cảnh quan giữa những ngôi nhà tường lợp ngói đỏ với các túp lều mái lá của cư dân.
Địa điểm dành cho khu chợ mới được ấn định tại khu vực ao Bồ Rệt (marais Boresse), một khu vực đầm lầy tù đọng khổng lồ ngay trong thành phố, nơi những người địa phương nghèo khổ nhất sinh sống trong những ngôi nhà lợp mái lá dựng ngay trên khu đất lầy. Khu vực Sài Gòn ngày nay vốn từng có nhiều kênh rạch thông với sông Sài Gòn, dòng thủy triều đều đặn lên xuống mỗi ngày giúp cuốn trôi chất thải sinh hoạt và giúp cho cảnh quan luôn tươi mới, sạch sẽ. Nhưng hoạt động phát triển nhà đất từ giữa thế kỷ 19 đến những năm 1890 đã khiến cho các con rạch dần trở nên tắc nghẽn. Bản thân ao Bồ Rệt được nối liền với sông Sài Gòn qua rạch Cầu Sấu, đến những năm 1867-68 kênh này bị lấp thành đường Canton (nay là Đại lộ Hàm Nghi), và khu ao nước trũng ở cuối dòng kênh trở thành đầm lầy nước tù đầy muỗi mòng.
Trong mắt của các nhà quy hoạch thời thuộc địa, ao Bồ Rệt là một trong những chướng ngại hoang dã “đe dọa và chiếm mất nền văn minh” họ vừa cất công tạo dưng được (Norindr, 1996, trích dẫn qua Leshkowich). Việc biến khu vực này thành một khu thương mại sẽ giúp cải thiện cảnh quan và điều kiện sống trong thành phố, đồng thời đặt khu chợ trung tâm tại đây sẽ hợp lý hơn là khu vực đường Nguyễn Huệ (ngày nay) vốn đang trở nên chật chội.
Năm 1893, Hội đồng quyết định thông qua kế hoạch xây chợ mới, ước tính trị giá 400,000 francs. Những tranh cãi về chi phí lại tiếp tục làm cho tiến độ bị trì trệ, hai công trình Nhà hát và Tòa thị chính được ưu tiên nhiều hơn, mãi đến năm 1907 Hội đồng mới bắt đầu xem xét lại việc xây dựng chợ, lúc này chi phí lại tiếp tục gia tăng. Năm 1908, Hội đồng thông qua kế hoạch xây dựng với giá thành tăng cao.
Sau nhiều thập niên quy hoạch, khu vực đầm lầy Bồ Rệt đã được chuyển đổi thành khu chợ trung tâm, với các dãy nhà phố kinh doanh tụ hội xung quanh. Hình ảnh: Léon Ropion, khoảng những năm 1920, thuộc Bộ sưu tập C Neykov, nguồn từ Mạnh Hải.
Sau nhiều thập kỷ chờ đợi, khu chợ trung tâm cuối cùng cũng được hoàn thành vào năm 1914. Sự kiện khánh thành chợ Bến Thành từ ngày 28/3 đến 30/3/1914 được báo chí lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm. Thành phố cho tổ chức nhiều chương trình chào mừng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng như múa lân, xiếc tạp kỹ, bắn pháo hoa đã thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Báo Lục Tỉnh Tân Văn cũng tường thuật cảm nghĩ của những hộ tiểu thương vừa đến buôn bán trong khu chợ mới, với tâm trạng phấn khởi vì sự rộng lớn, thông thoáng và sạch sẽ của công trình này.
Công năng rồi mới đến thẩm mỹ
Chợ Bến Thành khiến cư dân đương thời choáng ngợp bởi kích thước khổng lồ của những nhà lồng chợ và một tháp đồng hồ vươn cao nổi bật. So với các công trình công cộng quan trọng được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Chợ Bến Thành có giải pháp trang trí tiết chế hơn hẳn. Trong các phiên thảo luận của Hội đồng Thành phố, vấn đề trang trí ở chợ không được xem trọng bằng các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe, do đó thiết kế chỉ tập trung xử lý những vấn đề công năng thiết yếu như trần cao và rộng để lưu thông không khí, sàn lót đá và có hệ thống xả thải. Nếu như Nhà hát và Tòa Đô Chánh được trang trí bằng một hệ thống phù điêu phong phú, giàu ý nghĩa biểu tượng, thì ngôi chợ hầu như không có họa tiết trang trí nào.
Bức ảnh chụp vào thập niên 1960 cho thấy các trang trí bằng gốm và các lam thông gió đã được bổ sung vào mặt trước của Chợ Bến Thành. Nguồn ảnh: Mạnh Hải, không rõ người chụp ảnh.
Mãi đến năm 1952, các chi tiết trang trí bằng gốm mới được bổ sung vào các cửa Đông, Tây, Nam, và Bắc của chợ. Trong bài viết “Tìm lại tác giả phù điêu chợ Bến Thành” trên Tạp Chí Mỹ Thuật, tác giả Nguyễn Minh Anh cho biết các bức phù điêu gốm này do ông Lê Văn Mậu (1917–2003) sáng tác và các nghệ nhân Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa thực hiện theo đơn đặt hàng của Chợ Bến Thành. Các phù điêu này mô tả các động vật, thực vật biểu trưng cho thương mại ở chợ, sử dụng hai màu quen thuộc của dòng gốm Biên Hòa là màu trắng ta và màu xanh đồng (vert de Bienhoa). Các bức phù điêu được tạo thành từ nhiều mảnh gốm nhỏ ghép lại, được nung tại Biên Hòa và thi công lắp ráp tại Chợ Bến Thành. Bên cạnh các ô phù điêu, các vòm cửa và các ô lam lấy sáng tại các cửa chợ cũng là các bổ sung về sau, mang dáng vẻ tuyến tính, hiện đại rất khác so với phần chợ nguyên bản năm 1914.
Các bức tranh gốm ở mặt phía đông của Chợ Bến Thành mô tả các loài bò, heo và vịt. Ảnh: Nguyễn Lương Cao Nhân cho Saigoneer.
Thành phố từng có kế hoạch xây dựng lại chợ Bến Thành song không được thực hiện. Chợ Bến Thành theo đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng, do Tản Mạn Kiến Trúc minh họa.
Từ hiện đại đến truyền thống
Trong công trình nghiên cứu của nhà nhân học Ann Marie Leshkowich (2014), tác giả đã có những lưu ý rất thú vị về sự thay đổi trong cách nhận thức về Chợ Bến Thành. Khởi đầu, theo hình dung của các quan chức trong Hội đồng Thành phố thời Pháp, ngôi chợ mới là một cơ sở kinh doanh văn minh, hiện đại, tân tiến bậc nhất với các tiêu chuẩn châu Âu. Thời gian trôi đi, tính hiện đại của khu chợ dần bị lấn át bởi hoạt động buôn bán đậm tính Việt của các hộ tiểu thương. Chợ Bến Thành từ một biểu tượng của văn minh phương Tây đến nay đã chuyển đổi về ý nghĩa: nó trở thành một cột mốc ký ức mà người Sài Gòn đi xa ai cũng nhớ về, một biểu tượng kiến trúc và một đại diện cho văn hóa truyền thống địa phương.
Từ một công trình do người Pháp xây dựng, Chợ Bến Thành đã trở thành một biểu tượng của văn hóa truyền thống của thành phố. Hình ảnh: Nick Dewolf 1973, thông qua người dùng Flickr Mạnh Hải
Điều này cũng đóng góp vào cách hiểu về di sản thời kỳ thuộc địa, rằng chúng không hoàn toàn là những tạo dựng xa lạ mà chế độ thực dân áp đặt lên thành phố, mà qua thời gian, cùng với sự tương tác liên tục của nhiều thế hệ cư dân, những công trình thời kỳ thuộc địa đã thực sự đan cài vào văn hóa địa phương, trở thành một phần của đời sống và ký ức của thành phố.
Bản thân Chợ Bến Thành cũng nằm trong một quần thể các di sản kiến trúc rộng lớn hơn, mà giá trị của chúng cần được xem xét trong cả một tổng thể. Đó là những khu nhà phố xung quanh chợ và dọc theo tuyến đường Lê Lợi, những chỉ dấu kiến trúc thương mại của Sài Gòn qua nhiều thời kỳ lịch sử. Đồng thời, hoạt động buôn bán và lối sống của cư dân địa phương cũng là hợp phần không thể tách rời. Việc bảo tồn Chợ Bến Thành sẽ trọn vẹn khi được cân nhắc trong một tổng thể kiến trúc, lịch sử và con người đương đại.
Nội dung: Hiếu Y
Bài viết thuộc khuôn khổ chương trình cộng tác nội dung giữa Tản Mạn Kiến Trúc và Saigoneer.
Bài viết liên quan
Trong thế kỷ 19-20 một phong trào kiến trúc giao thoa giữa Pháp - Việt đã từ từ được hình thành và phát triển, tên của nó trở thành tên của một vùng đất của kỷ niệm và cả của một thời đại, nền nghệ thuật, Đông Dương.
Thông qua khảo sát ý nghĩa các biểu tượng trên các công trình thuộc địa, chúng ta có thể tiếp cận đến thông điệp của các nhà chức trách trong việc phô diễn một số giá trị nước Pháp đến với người dân thuộc địa. Các biểu tượng trong hệ thống trang trí thuộc địa tại Sài Gòn thường xoay quanh những thông điệp chung: khoa học, tiến bộ và văn minh.