“Đông Dương” - Danh từ riêng cho một thời đại, vùng địa lý và phong cách kiến trúc

08Feb2023

Trong thế kỷ 19-20 một phong trào kiến trúc giao thoa giữa Pháp - Việt đã từ từ được hình thành và phát triển, tên của nó trở thành tên của một vùng đất của kỷ niệm và cả của một thời đại, nền nghệ thuật, Đông Dương.

Bài viết được thực hiện cho chuyên mục Culture của Tạp chí Elle Decoration Vietnam, ấn phẩm Mùa Xuân 2023.

Một thể nghiệm kiến trúc-nội thất phong cách Đông Dương tại tòa nhà gian triển lãm Đông Dương trong khuôn khổ Hội chợ Nghệ thuật và Trang trí diễn ra tại Paris năm 1931.

Về tên gọi kiến trúc phong cách Đông Dương

Một cách phổ biến, chúng ta thường gộp chung kiến trúc xây dựng và trang trí theo phong cách Đông Dương và kiến trúc được xây dựng tại bán đảo Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia). Đây là hai khái niệm tuy riêng biệt nhưng bao hàm nhau tùy theo ngữ cảnh.

Kiến trúc được xây dựng tại Đông Dương bao hàm một tập hợp rộng các công trình thuộc nhiều phong cách được xây dựng trải dài theo thời gian, từ khi người Pháp có mặt đến khi họ rời khỏi khu vực Đông Dương. Còn phong cách Đông Dương chỉ một tập hợp nhỏ hơn với những chủ ý và đặc điểm riêng biệt, song cũng kế thừa nhiều đặc điểm kỹ thuật của kiến trúc xây dựng ở Đông Dương. Phong cách kiến trúc Đông Dương tuy chỉ được thực hành tập trung trong vài thập kỷ từ thập niên 1920 đến những năm đầu thập niên 1950, nhưng đã để lại dấu mốc đáng lưu ý trong giai đoạn thịnh kỳ của kiến trúc dân sự thời kỳ thuộc địa, đồng thời trở thành tiền đề cho kiến trúc theo trào lưu Hiện đại Nhiệt đới miền Nam Việt Nam về sau. Phong cách Đông Dương cho thấy các kiến trúc sư người Pháp đã có chủ ý tôn trọng văn hoá bản địa trong hoạt động xây dựng đô thị.

Một vài cột mốc đáng lưu ý

Các nghiên cứu thường đồng tình với nhau rằng công trình đầu tiên thể hiện rõ phong cách Đông Dương là toà nhà chính của Đại học Đông Dương (Université Indochinois) khởi công từ năm 1923. Ban đầu tòa nhà này vốn không mang thiết kế như hiện tại. Từ khi Kiến trúc sư Ernest Hébrard được mời về làm việc tại Đông Dương, ông bắt đầu đặt vấn đề về việc làm cho kiến trúc dân dụng của người Pháp tại thuộc địa trở nên gần gũi và có kết nối hơn với văn hoá địa phương. Hébrard tiến hành chỉnh sửa thiết kế của toà nhà với một mức độ trang trí ông cho là vừa đủ và tránh một sự sao chép tối nghĩa của hoạ tiết bản địa.

Từ dấu mốc này, Hébrard dẫn dắt các kiến trúc sư hành nghề tại Đông Dương đi theo đường lối thực hành một phong cách kiến trúc mới mẻ đầy cảm hứng, dẫn đến thành công của một kiến trúc sư như Auguste Delaval, Felix Dumail, Arthur Kruze… với hàng loạt các kiến trúc mang dấu ấn văn hoá địa phương thuộc nhiều quy mô khác nhau và nhận được đánh giá tích cực cả đương thời và ngày nay. 

Nếu chúng ta mở rộng việc xem xét ra khỏi giai đoạn chính quyền dân sự ở Đông Dương đang trong thời kỳ ổn định và cân bằng về ngân sách và nguồn lực, thì hơn nửa thế kỷ trước đó, những nhà truyền giáo châu Âu đến xứ An Nam đã tạo ra những thể nghiệm đáng chú ý. Khi nhìn nhận lại, chúng ta có thể thấy nỗ lực của họ có thể xem là manh nha của dòng kiến trúc phong cách Đông Dương. Những ngôi thánh đường và nhà nguyện của các giáo họ khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 19 thường được mô tả là “những ngôi nhà An Nam kéo dài”, bởi họ tận dụng bộ khung nhà, cấu kiện kiến trúc và trang trí của Việt Nam có tính chất tương tự như trong kiến trúc phương Tây để nhanh chóng dựng nên ngôi nhà của Chúa. Hoạt động truyền giáo của họ đạt được thành công một phần nhờ vào nỗ lực tạo ra những công trình tôn giáo kết hợp kiến trúc bản địa, dẫn dắt giáo dân địa phương trong những trải nghiệm kiến trúc thân thuộc.

Hình thức và đặc điểm

Theo nhận định của người viết, có thể phân chia đặc điểm của kiến trúc phong cách Đông Dương thành ba giai đoạn: Trước những năm 1920; những năm 1920-1940; sau 1940.

Đại học Đông Dương những năm 1920, phần khối nhà trung tâm.

Đại học Đông Dương những năm 1920, nhìn ra khu vườn.

Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Tp.HCM)

Viện Pasteur Hà Nội

Cụm ảnh trên và dưới: Một thể nghiệm kiến trúc-nội thất phong cách Đông Dương tại tòa nhà gian triển lãm Đông Dương trong khuôn khổ Hội chợ Nghệ thuật và Trang trí diễn ra tại Paris năm 1931. Nguồn: Musée Albert Kahn


Phong cách kiến trúc Đông Dương cũng từng có thời thịnh đạt như một vũ hội rực rỡ bên bờ biển và cũng có lúc hạ tiệc và tắt những ngọn đèn của nó. Học và tìm hiểu về lịch sử của nghệ thuật, lịch sử của kiến trúc là học về mỗi thời kỳ nghệ thuật, chủ nghĩa đã sinh ra từ các yếu tố đan xen văn hoá và bức thiết thời đại ra sao, và cũng học về làm cách nào chúng hưng thịnh và rồi tan rã. Kiến trúc Đông Dương và toàn bộ cảm xúc thời đại, thẩm mỹ riêng tư của những ngày tháng đó đã ra đi êm đẹp xuôi theo lịch sử Pháp-Việt. Ngày nay đôi lúc chúng ta vẫn có thể bắt gặp lại những dư âm Đông Dương thảng hoặc trên những bản vẽ hay công trình muốn hoài vọng quá khứ, đôi tác phẩm nghệ thuật muốn xuyên thấu lịch sử, các công trình khảo cứu dày dặn, hay một bài thơ và một bản nhạc. Có lẽ tâm tư của cuộc trùng ngộ của Đông-Tây, Cũ-Mới sẽ còn được kể đâu đó đến ngày mai xa lắm, như người ta vẫn hay tương tư về một ánh mắt đã kịp gặp gỡ và nhảy cùng một điệu Valse chỉ diễn ra một lần trong mùa hè đã thành ký ức vĩnh cửu,, nơi những người tham gia/ hay đúng hơn là những nền văn hoá sẽ không thể gặp gỡ lại nhau và múa cùng theo một cách nữa… 

Một thể nghiệm kiến trúc-nội thất phong cách Đông Dương tại tòa nhà gian triển lãm Đông Dương trong khuôn khổ Hội chợ Nghệ thuật và Trang trí diễn ra tại Paris năm 1931.

Bài viết: Nick

Bài viết được thực hiện cho chuyên mục Culture của Tạp chí Elle Decoration Vietnam, ấn phẩm Mùa Xuân 2023.

Bài viết liên quan

Nằm ẩn mình tại một góc vắng lặng của Sài Gòn, Bảo tàng Địa chất là một trong những bảo tàng ít được biết đến nhất của thành phố, vì thế không gian nơi đây luôn mang dáng vẻ hoài niệm. 

Dãy nhà Hội Trường B của Đại học Khoa học Tự nhiên, một công trình hiện đại với những điều chỉnh hài hòa với khí hậu nhiệt đới Việt Nam, được đánh giá cao về công năng và hiệu quả sử dụng lẫn hiệu quả thị giác...