Bảo tàng Đạo Mẫu - Nguyễn Hà và ARB Architects

Hình ảnh: Triệu Chiến

10-03-2024

Kiến trúc sư Nguyễn Hà được trao giải thưởng Moira Gemmill 2024 của tạp chí The Architectural Review. Gửi đến quý bạn đọc bài viết do Hiếu Y thực hiện cho tạp chí The Architectural Review, in trong ấn phẩm tháng Ba 2024. Phiên bản tiếng Anh được The Architectural Review đặt viết và biên tập. Bản tiếng Việt được Hiếu Y và Vương An Nguyên dịch cho Tản Mạn Kiến Trúc, với sự đồng ý từ tạp chí.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Năm 2022, một triển lãm tại Manzi Art Space đã được tổ chức ở Hà Nội nhằm nhìn lại những đề xuất không được triển khai của kiến trúc sư Nguyễn Hà, mỗi dự án đều kèm theo các giải thích về lý do mà chúng bị hủy bỏ, kể như ‘Khách hàng muốn lối đi lớn hơn để xe hơi chạy vào bungalow, nhưng kiến trúc sư từ chối’. Chị Hà thừa nhận rằng chị là một kiến trúc sư không dễ thương lượng, chị không ngần ngại rời khỏi dự án nếu chị không tìm thấy tầm nhìn chung với khách hàng. Buổi triển lãm này đã thành công ngoài mong đợi. ‘Có lẽ cuộc trưng bày này đã chạm tới các kiến trúc sư khác, xoa dịu nỗi sợ cô đơn của họ, và bằng cách nào đó truyền động lực để họ tiếp tục hành trình kiến trúc,’ chị giải thích sau khi hồi nhớ về triển lãm.

Giờ đây, chúng ta đến Bảo tàng và Phủ thờ Đạo Mẫu, đây là một trong hai dự án đầu tiên của chị Hà cùng văn phòng kiến trúc ARB Architects được xây dựng hoàn thiện. Bảo tàng này là ‘giấc mơ theo đuổi trong cả cuộc đời’ của chủ đầu tư - nghệ sĩ Xuân Hinh. Công trình phản hồi trực tiếp với văn hóa và tri thức địa phương của vùng đất Hà Nội. [...] Xuân Hinh tin rằng thành công của ông là ân điển từ Mẫu, và để thể hiện lòng biết ơn, ông đóng góp không gian này lại cho cộng đồng.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Địa điểm triển khai dự án nằm tại ngôi làng Hiền Ninh ở ngoại ô Hà Nội. Đây là khu đất dài và hẹp, rộng 5,000 mét vuông với những hàng vải cổ thụ, và về phía cuối của khu đất là một ngôi nhà và một hồ nước. ARB Architects đã nhấn mạnh tính chất tuyến tính của khu vườn bằng cách cẩn trọng sắp đặt một hành trình trải nghiệm, mang khách tham quan rời khỏi đời sống thế tục để bước vào ngưỡng cửa thế giới tinh thần thuộc về văn hóa Đạo Mẫu. Phần nhà hiện trạng nay đã được chuyển đổi thành Phủ thờ Mẫu, các hạng mục chức năng được phân bố rải rác trong phạm vi khu đất. Các khối nhà ở vẫn được Xuân Hinh và các vị khách của ông sử dụng cho hoạt động riêng tư, còn khu vực bảo tàng và đền thờ có dự định được mở cửa cho công chúng tham quan.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Vẻ tĩnh lặng và thiêng liêng của khu vườn vải đã cuốn hút chị Hà và cộng sự Phạm Minh Hiếu, và họ đã khởi đầu toàn bộ dự án từ hệ thực vật ấy. Chị Hà giải thích rằng chị tập trung vào quá trình triển khai ý tưởng hơn là thành quả thẩm mỹ cuối cùng: ‘Xúc cảm và sự diễn giải nơi chốn quan trọng hơn vẻ ngoài của công trình. Yếu tố vật liệu chỉ được xét đến trong đoạn cuối của tiến trình.’

Tuy thế, chủ đầu tư có vẻ quan tâm đến câu chuyện của vật liệu dùng để xây dựng. Trong lần khảo sát địa điểm đầu tiên, ông đã hỏi kiến trúc sư sẽ đề xuất vật liệu nào, cho đến khi nhìn thấy mái ngói truyền thống đổ nát nằm gần bên, chị đã đáp: ‘Hãy dùng ngói’. Chủ đầu tư đã vô cùng phấn khích trước viễn cảnh xây dựng bằng ngói, và ông đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm ngói cũ; trong suốt năm năm tiếp theo, ông đã thu thập hàng triệu viên ngói từ hàng ngàn ngôi nhà trên khắp vùng Đồng bằng Sông Hồng. ‘Tôi cảm thấy buồn khi chứng kiến những ngôi nhà xưa bị phá hủy vì quá trình hiện đại hóa,’ ông kể, ‘và tôi thấy thật mừng khi trao cho chúng một cuộc đời mới.’

Hình ảnh: Triệu Chiến

Kiến trúc sư đã khéo kết hợp chất thơ của vật liệu ngói cũ với cách diễn giải không gian riêng của chị. Tất cả cây cối đều được giữ lại, một đoạn tường dài được bổ sung vào mặt phía bắc của khu đất, tạo ra trục dẫn kết nối suốt chiều sâu khu vườn. Ban đầu chủ sở hữu muốn có một lối vào rộng hơn để đón tiếp nhiều khách tham quan cùng lúc, nhưng chị Hà đã thuyết phục rằng lối đi hẹp thì có lý của nó. Theo chị những lối đi nhỏ có thể tạo ra kết nối thân mật với cơ thể con người vì chúng gợi đến những chuyển tiếp giác quan tinh tế, khi bước đi dọc theo lối hẹp một mình, ta có thể tự chạm tay vào bề mặt gồ ghề của ngói và nếm hương vị ẩn mật của thời gian. Dọc theo lối đi có ba ngọn tháp cao, chân mỗi tháp mở những khe hẹp hé lộ những góc nhìn thoáng qua về dung mạo của khu vườn vải, và ngay cuối con đường… quang cảnh rộng sẽ hiện ra chào đón. ‘Đây là kiến trúc của sự tĩnh lặng,’ chị Hà nói. ‘Phần lớn thời gian chúng ta bị những lo lắng thường ngày níu giữ, và kiến trúc có thể giúp chúng ta tái kết nối với sự tĩnh lặng thẳm sâu và hướng tới những điều cao cả.’ Lối đi sâu hun hút đóng này đóng vai trò như ngưỡng cửa giữa trải nghiệm trần thế của thế giới bên ngoài và cõi thiêng trong nội phủ.

‘Những bức tường ngói cũng gợi lại mái đình dốc miền Bắc Việt Nam’, kiến trúc sư giải thích. Những mái ngói đình thường đổ xuống rất thấp, như thể chúng sắp chạm vào mặt đất. Chị đã tham khảo nguyên tắc ‘ánh sáng âm’ trong kiến trúc truyền thống và bao ngôi nhà cũ bằng hệ tường bê tông và ngói để hạn chế lượng ánh sáng đổ trực tiếp vào nội thất. Ánh sáng được lọc qua những tán lá vải và chiếu theo phương ngang vào trong nội điện, làm những bức tượng mạ vàng và khảm xà cừ bừng lên sức sống.

Chánh điện thường được đóng lại trong phần lớn thời gian, nhưng sẽ được mở ra trong những dịp đặc biệt, ví dụ các buổi chầu văn. Những cánh cửa ‘bức bàn’ truyền thống tạo ra nhịp điệu và chiều sâu không gian cho phần lõi công trình, trong khi mái đón bê tông dang rộng về phía hồ nước và đóng khung quang cảnh rộng rãi bên ngoài. ‘Chúng ta đang trải qua giai đoạn đứt gãy giữa lối sống truyền thống và đời sống hiện đại,’ chị Hà tin thế. Thế hệ trẻ có thể bày tỏ sự mâu thuẫn hoặc thậm chí sợ hãi khi tiếp cận với các niềm tin dân gian, nhưng họ cũng cảm thấy tò mò về lịch sử của quê hương mình. Khoảng cách nhờ mặt sàn rộng và xuyên suốt từ ngoài vào trong điện, cho phép những vị khách đến có thể tự chọn việc tiến gần vào ngồi bên trong và tham dự trực tiếp vào buổi lễ, hoặc giữ khoảng cách và quan sát các hoạt động từ vị trí dễ chịu với họ khi đứng ngoài sân.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Đến nay, Bảo tàng Đạo Mẫu là dự án vẫn còn đang tiếp diễn. Theo dự kiến sẽ có tổng cộng năm tòa tháp được xây dựng, kiến trúc sư hiện vẫn đang thuyết phục hoàn thiện hai tháp còn lại. Quá trình làm việc đòi hỏi nhiều tranh luận và thương thuyết, nhưng cũng trở thành cơ hội để làm việc cùng những thợ xây địa phương vốn không có nền tảng bày bản về kiến trúc. Họ thể hiện kỹ năng thủ công tuyệt vời nhưng không đọc được các bản vẽ kỹ thuật. Chị Hà đã trân trọng cơ hội cùng học hỏi trong quá trình cộng tác. Phương pháp làm việc này gợi nhắc các thử nghiệm chị Hà thực hiện cùng thợ thủ công địa phương suốt những giai đoạn thực hành trước đó, sau đó chính kiến trúc sư và các cộng sự đã tìm kiếm được giải pháp khơi gợi những chức năng và biểu đạt mới từ các vật liệu bình thường.

Tất cả những dự án đã được xây dựng lẫn bỏ ngõ của chị Hà đều chứa những yếu tố phi chức năng đóng vai trò hỗ trợ cảm xúc của người dùng. Khi nói về ‘giai đoạn bối rối và mất phương hướng khi sống cùng nỗi sợ bị trí tuệ nhân tạo thay thế, chị khẳng định: ‘Những gì còn lại cho kiến trúc là chiều kích cảm xúc và cảm giác của con người.’ Hiện chị đang đề xuất dự án Mang Thít, nơi được mệnh danh là ‘vương quốc lò gạch’ ở miền Nam. Chị mong muốn phác lộ vẻ đẹp của các lò gạch và nhà xưởng, để người dân địa phương và du khách có thể tái kết nối với lịch sử và văn hóa, minh chứng rằng những quang cảnh bị lãng quên cũng hàm chứa những điều thiêng liêng.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Bài viết: Hiếu Y

Dịch tiếng Việt: Hiếu Y, Vương An Nguyên

Đọc bài gốc tiếng Anh tại The Architectural Review

Thư ngỏ về việc gây quỹ cho dự án


Quý vị thân mến, dự án Tản Mạn Kiến Trúc luôn hướng đến mục tiêu cung cấp dữ liệu miễn phí cho tất cả bạn đọc. Hoạt động xây dựng nội dung của dự án sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự hỗ trợ từ quý bạn.


Nếu bạn thấy nội dung hữu ích, hãy cân nhắc đóng góp một khoản tùy ý cho quỹ phát triển nội dung của Tản Mạn Kiến Trúc.


Thân mến

Bài viết liên quan

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ.

Chùa Khải Tường, nơi Hoàng đế Minh Mạng ra đời, đã hoàn toàn biến mất song lại chứa nhiều chỉ dấu quan trọng cho lịch sử Sài Gòn - Gia Định và miền Nam nói chung.