Một ngôi nhà phố Modernist trên đường Lý Tự Trọng
Bản vẽ minh họa nhà phố Modernist đường Lý Tự Trọng. Leonardo thục hiện cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Những thập niên giữa thế kỷ trước, kiến trúc hiện đại đã được vận dụng tại Việt Nam và dần phát triển thành một nhánh riêng biệt, gắn liền với bối cảnh văn hoá - xã hội và khí hậu của Việt Nam. Bên ngoài phạm vi của các công trình công cộng, cư dân đô thị cũng đã ứng dụng các nguyên tắc của kiến trúc hiện đại để xây dựng nhà ở. Chúng ta cùng ghé thăm một căn nhà phố trên đường Lý Tự Trọng để phân tích một số đặc điểm điển hình ở nhà phố hiện đại miền Nam giữa thế kỷ 20.
Cùng với tốc độ đô thị hoá và hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh vào khoảng thập niên 1960, hoạt động xây dựng diễn ra liên tục trên các tuyến phố trong trung tâm thành phố Sài Gòn. Nhà ống hiện đại thay thế các dãy nhà 2-3 tầng xây từ thời Pháp. Khung bê tông cho phép xây dựng nhiều tầng hơn, kích thước lớn hơn, tạo ra thêm nhiều diện tích sử dụng. Với những lợi thế đó, kiến trúc hiện đại nhanh chóng thay đổi cảnh quan thành phố, nhiều con đường trung tâm trở nên hoàn toàn hiện đại.
Các căn nhà mặt tiền thường kiêm nhiệm vai trò vừa là nhà ở (các tầng trên), vừa là cơ sở kinh doanh (tầng trệt). Mặt tiền tầng trệt thường trổ cửa lớn để dễ dàng lưu thông.
Các công trình công cộng thường có hệ lam lớn bao phủ gần như toàn bộ mặt ngoài của công trình, đóng vai trò như lớp hấp thụ nhiệt để điều tiết nhiệt độ bên trong. Ở nhà phố, lớp lam được sử dụng tương đối tiết giảm, có thể che một phần mặt tiền hoặc đặt ở mặt hai bên hành lang tùy theo hướng nắng và nhu cầu trang trí. Trong trường hợp của các ngôi nhà ở đường Lý Tự Trọng, mặt tiền nhà không bị nắng chiếu trực tiếp nên lớp lam được sử dụng tiết chế, hầu như chỉ có tác dụng trang trí, tạo ra mạch kết nối liên tục từ trên xuống để nhấn mạnh phương vị đứng của ngôi nhà.
Các tấm bê tông ngang cũng góp phần hạn chế nắng hắt. Chúng có kích thước to nhỏ và được phủ bằng đá rửa có màu sắc khác nhau, được bố trí đan xen để tạo ra nhịp điệu cân bằng cho tổng thể.
Tấm bê tông được khoét lỗ thành một bố cục trừu tượng, trở thành điểm nhấn chạy dọc suốt mặt bên tòa nhà.
Lớp hành lang này tạo ra một khoảng chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài, góp phần điều tiết nhiệt độ cho nội thất. Đây cũng là không gian sinh hoạt mở ra bên ngoài, nói được dùng để trồng cây, thư giãn. Cây cối được bố trí tự do, đôi khi phát triển dày đặc bao phủ cả mặt ngoài của công trình. Chính hệ thực vật phong phú này đã tạo ra cảm xúc thân mật cho khối bê tông vốn có phần lãnh cảm, khiến kiến trúc hiện đại trở nên thân thiện và gắn bó mật thiết hơn với bối cảnh và tập quán ở Việt Nam.
Hiệu ứng bóng đổ ở mặt bên. Bản vẽ mang tính chất minh họa, không phản ánh chính xác góc nắng trong thực tế. Trong bản vẽ bên dưới (trái: mặt chính, phải: mặt bên), các chi tiết cửa đi và cửa sổ được giản lược để dễ quan sát phần bóng đổ.
Công trình hiện đại được truyền lực bằng khung bê tông thay vì chịu lực bằng tường. Như thế tường nhà lúc này chỉ còn mang tính chất che chắn, cửa đi và cửa sổ có thể tăng kích thước lên tối đa. Hệ cửa trong thời kỳ này có kích thước lớn hơn thời kỳ thuộc địa, nội thất vì thế cũng nhận được nhiều ánh sáng hơn. Cảm thức hiện đại gắn liền với một không gian nhận nhiều ánh sáng, cởi mở và năng động.
Các công trình trước thời hiện đại thường có mái dốc lợp ngói. Cấu trúc hiện đại cho phép tạo ra mái bằng có kích thước lớn. Tấm mái bê tông này mở ra thêm diện tích sử dụng, thường được dùng như một khu vườn trên mái, hay trở thành nơi phơi đồ, đặt bàn ghế để hóng mát,...
Hành lang rộng bao quanh mặt tiền và mặt hông.
Các ngôi nhà phố thường có một pergola ở mặt tiền. Pergola vốn là một giàn leo đặt trong các khu vườn. Chúng bắt đầu được đặt trên sân thượng của các ngôi nhà Art Deco từ cuối những năm 1920, đầu 1930, vừa có vai trò như giá bám cho dây leo trên vườn sân thượng, vừa có yếu tố trang trí và nhấn mạnh chiều cao của ngôi nhà. Pergola trên nhà phố hiện đại đã trở nên vô cùng đa dạng về kiểu dáng, kết cấu.
Giữa thế kỷ 20, kiến trúc hiện đại đã được vận dụng trong các phạm vi khác nhau từ hành chánh, công cộng, giáo dục, tôn giáo đến cả phạm vi dân dụng. Người dân các đô thị đã tìm thấy ở kiến trúc hiện đại sự tiện nghi, năng động tốt nhất mà thời đại của họ có thể mang lại. Sự ứng dụng rộng rãi của kiến trúc hiện đại đã nhanh chóng thay đổi cảnh quan trong trung tâm thành phố và trở thành một trải nghiệm không gian thiết yếu của đời sống đô thị Sài Gòn trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bài viết: Hiếu Y
Hình ảnh: Duy Khang
Minh họa: Leonardo
Bài viết liên quan
Thư viện Khoa học Tổng hợp (trước đây tên là Thư viện Quốc gia) thể hiện nhiều đặc điểm của dòng kiến trúc hiện đại được phát triển tại miền Nam Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ trước, đặc biệt trong kỹ thuật điều tiết vi khí hậu, trang trí và xử lý bề mặt.
Trong các phương án gửi về trong cuộc thi thiết kế, giải pháp của KTS Huỳnh Kim Mảng được đánh giá cao và được trao giải nhất. Tuy thế, dự án xây dựng lại chợ trung tâm đã không được theo đuổi đến cùng và ngôi chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.