/Bóc tách/ Từ Dinh Thống Đốc đến trường Taberd đến trường Trần Đại Nghĩa
20Nov2023
Bài viết truy lại lịch sử xây dựng phức tạp tại một lô đất ở trung tâm thành phố Sài Gòn. Các thay đổi trong hoạt động thiết kế và xây dựng, bao gồm việc lựa chọn phong cách, vật liệu, công nghệ,... minh họa cho một loạt các thay đổi trong bối cảnh kinh tế, xã hội mà thành phố trải qua trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Đọc thêm các bài viết khác thuộc chuyên mục /BÓC TÁCH/
Bản vẽ Dinh Thống Đốc do Henri Amirault thực hiện, khoảng năm 1865.
1. Dinh Thống Đốc
Dinh Thống Đốc đầu tiên ở Sài Gòn (La Première Résidence des Gouverneurs à Saigon hay L'Hôtel du Gouverneur à Saigon), là công trình hành chánh lớn đầu tiên của người Pháp ở Đông Dương, được xây dựng làm văn phòng của các thống đốc quân đội Pháp từ năm 1861.
Đây là tổ hợp các tòa nhà bằng gỗ mua về từ Singapore, do kinh phí eo hẹp trong những năm đầu thiết lập nền cai trị chưa cho phép xây dựng công trình kiên cố. Dinh nằm tại vị trí ngày nay là góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Du.
Văn bản Tây Hành Nhật Ký và chân dung Phạm Phú Thứ.
Năm 1863, khi vị quan triều Nguyễn là Phạm Phú Thứ đến Sài Gòn đàm phán với người Pháp, ông đã mô tả dinh thống đốc trong ghi chép “Tây Hành Nhật Ký” của ông về Soái Doanh 帥營 (Dinh Thống đốc) như sau:
“Thần đẳng đến Soái Doanh thấy có hết thảy bốn lớp nhà xếp dài nằm ngang, đều chín gian tám cửa, tòa thứ nhứt gian giữa là lối đi vào trong tầng, bốn gian đầu phía tây giá gỗ là Cai Soái Túc Sở (phòng thống đốc), bốn gian phía đông là Từ Trát Sở (phòng làm việc), từ tòa này đi qua nhà nối thẳng vào trong”.
“Tòa thứ hai là Tiếp Tân Nghị Sự Chi Sở (nơi tiếp khách), đầu tường phía tây treo cao hai bức tranh vẽ lồng khung kính cỡ lớn, bên phải là Quốc Trưởng Phú Lãng Sa hiệu Ưng Ba Sư (Empereur), bên trái là Quốc Phi hiệu Y Phi Tri (Impératrice), giữa treo bức nhỏ là hình Quốc Trưởng Tử. Phía đông hai gian thứ 6, thứ 7 là Tọa Sở (phòng ngồi), sau tường là Tác Nhạc Sở (phòng phát nhạc), tòa này sơn sức sáng lệ. Tòa thứ ba phía sau nó là Yến Tân Sở (phòng ăn tiếp khách), ở giữa đặt một bàn ăn dạng cái thuẫn, phía đông đặt một bàn trà, gần tường là cái bàn dài đặt đều chén, dĩa, dao, nĩa. Tòa thứ tư là Trù Bộc Phòng Táo (nhà bếp), phía tây sau cùng đặt một chuồng ngựa, phía đông đặt chỗ chăn nuôi gia súc, heo, gà,... tả hữu hậu đều xây tường gạch, mặt tiền đóng ván gỗ sơn màu xanh lam. Cửa trước tả hữu đặt Môn Binh Thủ Sở (bốt lính canh), thường có binh lính cầm súng điểu thương thay phiên đổi ca, mỗi lượt hai bên đánh súng đứng đối diện nhau”.
Nguồn: GIÁ VIÊN BIỆT LỤC [TÂY HÀNH NHẬT KÍ] kí hiệu VHv.296/1-2 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Leo dịch sang tiếng Việt cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Minh họa Dinh Thống Soái theo mô tả của Phạm Phú Thứ. Minh họa do Leo thực hiện cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Minh họa nội thất Dinh Thống Đốc do Leo thực hiện cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Những năm 1868-1873, chánh quyền Pháp lúc này đã bắt đầu có sự quan tâm và đầu tư vào các thuộc địa ở Viễn Đông, một khoảng ngân sách lớn bấy giờ được trích ra để xây dựng dinh thống đốc mới hoành tráng hơn, như là một sự thể hiện quyền lực và sự giàu có của nhà nước Pháp đối với thuộc địa - bất chấp những khó khăn đang diễn ra ở chánh quốc đã dẫn đến sự sụp đổ của Đệ nhị Đế chế Pháp. Dinh mới về sau là Dinh Norodom, vị trí ngày nay là Dinh Độc Lập.
2. Trường Lasan Taberd
Năm 1873, sau khi thống đốc dời đi, dinh bằng gỗ cũ đã được trao cho Hội Thừa Sai Paris và Cha Henri de Kerlan chuyển thành một trường học gọi là Institution Taberd, trường được đặt tên theo đường Taberd (đường Nguyễn Du ngày nay) - nguyên đường đặt theo tên Giám mục Jean-Louis Taberd, người có công lớn bổ sung và cải tiến các bộ từ điển Việt-Latin.
Do gặp khó khăn về tài chính, cha Kerlan mời các sư huynh Dòng La San (Jean-Baptiste de La Salle) qua giúp ông. Trường học mới được sư huynh Christian điều hành trong những năm cuối thập niên 1880, đến năm 1890 trường được xây dựng lại thành tòa nhà lớn ba tầng theo phong cách cổ điển Pháp gồm dãy phòng học và nội trú, cùng một phòng giám hiệu kiêm chức năng nhà nguyện.
Minh họa trường Lasan Taberd do Leo thực hiện cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Năm 1960, trước nhu cầu mở rộng trường học, và được sự đồng ý của chánh phủ Đệ nhứt Cộng Hòa, kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng đã thiết kế dãy phòng học và hội trường mới theo phong cách Modernist trên khu đất mà Lãnh sự quán Hoa Kỳ bàn giao cho trường phía góc đại lộ Gia Long và Hai Bà Trưng.
Minh họa trường Lasan Taberd với các dãy mở rộng do KTS Huỳnh Kim Mãng thiết kế, minh họa do Leo thực hiện cho Tản Mạn Kiến Trúc.
Kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng là một trong số các sinh viên giỏi khoa kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được học bổng sang Pháp học tiếp tại Beaux-Arts de Paris. Khoảng thời gian quan trọng này đã ảnh hưởng lớn đến các công trình mà ông thiết kế về sau.
Đồ án của trường là một trong những công trình mang phong cách Modernist sớm ở Sài Gòn vào thời điểm bấy giờ, công trình cho thấy triết lý thiết kế của vị kiến trúc sư chịu ít nhiều ảnh hưởng từ các nguyên tắc không gian của Le Corbusier, ta cũng có thể nhận ra những triết lý thiết kế tương tự trong đồ án xây dựng mới chợ Bến Thành năm 1970 của ông.
Toàn cụm khu trường từ trên cao, chụp vào khoảng thập niên 1960, so sánh với hiện trạng ngày nay (2023).
Nhà trên cột: Giúp giải phóng không gian tầng trệt. Ở đây thể hiện trong hai khối ban tiểu học và ban trung học, được tận dụng làm khu vực đậu xe và sân thể thao trong nhà. Với thiết kế này không gian tầng trệt được giải phóng tầm nhìn và có tính liên tục từ ngoài vào trong.
Mái đa năng: Được tận dụng thành các sân chơi ngoài trời trên cao cho học sinh, bổ sung thêm các pergola bằng bê tông tạo thêm không gian sân vườn, kết nối với thiên nhiên.
Mặt bằng tự do: Khối công trình mới được thiết kế không gian linh hoạt hơn khối trường cũ xây từ thời Pháp trước đó, các chức năng của khối phòng có thể chuyển đổi cho nhau, được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông hành lang, vừa là không gian di chuyển, vừa có chức năng như không gian điều tiết vi khí hậu của công trình.
Không gian lấy sáng trải dài: Mục đích là giúp công trình đón sáng và thông gió tự nhiên hiệu quả hơn, nhưng để thích nghi với khí hậu nhiệt đới kiến trúc sư đã sáng tạo thiết kế lùi một khoảng không gian thành hàng lang trải dài, lớp không gian này ở các tầng đều được thiết kế thông thoáng, hành lang rộng bao quanh các mặt của khối công trình, tạo ra một khoảng chuyển tiếp giữa không gian bên trong và bên ngoài, góp phần điều tiết vi khí hậu cho nội thất công trình, tạo sự thoải mái cho giáo viên và học sinh.
Hình chụp khối nhà trung học, vào khoảng thập niên 1960.
Cụm công trình được thể hiện trên bản đồ qua các thời kỳ.
Trường Lasan Taberd đóng cửa năm 1976, sau đó cơ sở trường được dùng làm trường Trung học Sư phạm, năm 2000 thì chuyển thành trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa như hiện trạng ngày nay.
Bài viết và minh họa: Leo
Trình bày: Nhật Tiến
Bài viết liên quan
Khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng. Cùng lật giở từng lớp lịch sử chồng lấp khám phá những đổi thay của thành phố, cảnh quan và con người.
Trong các phương án gửi về trong cuộc thi thiết kế, giải pháp của KTS Huỳnh Kim Mảng được đánh giá cao và được trao giải nhất. Tuy thế, dự án xây dựng lại chợ trung tâm đã không được theo đuổi đến cùng và ngôi chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.