Tản Mạn Kiến Trúc là dự án nghiên cứu hệ thống di sản kiến trúc Việt Nam với 7 thành viên sáng lập đến từ các chuyên ngành khác nhau, bao gồm kiến trúc, nhân học, nghệ thuật, lịch sử và du lịch.
Từ khi thành lập vào năm 2019, Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện việc lưu trữ dữ liệu về những công trình đang mất dần, cũng như thu thập câu chuyện từ các nhóm dân cư sống cùng di sản, đồng thời tương tác với cộng đồng người trẻ nhằm lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Tản Mạn Kiến Trúc không hướng tới sự hoài nhớ mà là tiếng nói phản hồi của người trẻ khi đối diện với quá trình đô thị hóa và sự biến mất của di sản, để khám phá những khả năng của cộng đồng trong việc chung tay kiến tạo ý nghĩa cho di sản trong đời sống Việt Nam đương đại.
Năm 2022, dự án đã xuất bản quyển sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ (Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành), trình bày một khảo sát đa chiều về kiến trúc dân dụng của miền Nam Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Năm 2023, dự án lập ra nền tảng Năm Năm Tháng Tháng, thực hiện các hoạt động cộng đồng đa dạng bao gồm tọa đàm, đi thực địa và workshop với mục tiêu kết nối công chúng với các thảo luận đa chiều về di sản kiến trúc Việt Nam.
Tản Mạn Kiến Trúc xây dựng diễn đàn để cùng thảo luận các quan điểm về di sản, kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật trên. TMKT mong muốn trở thành một cầu nối giữa giới nghiên cứu, nghệ sĩ, cộng đồng có cùng mối quan tâm đến di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật nhằm gia tăng đối thoại về di sản.
Chúng tôi tạo ra mối liên kết thân thiết với những chủ nhân của di sản, lắng nghe và chia sẻ góc nhìn của họ để khuyến khích những cách tiếp cận bền vững.
Dự án xây dựng một bộ dữ liệu về di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, với đa dạng góc nhìn từ các ngành kiến trúc, quản lý, khoa học xã hội và nhân văn.
Tăng cường nhận thức cộng đồng về di sản qua hoạt động xuất bản và truyền thông.
Bạn đọc của Tản Mạn Kiến Trúc là những người quan tâm di sản kiến trúc trải trên tất cả các nhóm tuổi. Trong đó hơn 87% nằm trong nhóm tuổi từ 18 đến 34 tuổi.
Điều này cho thấy người trẻ đang quan tâm tích cực đến di sản và hướng đến việc tạo ra ý nghĩa mới cho di sản trong đời sống đương đại.
“Tình yêu với di sản đã khiến một nhóm bạn trẻ bươn ra đường giữa trưa nắng gắt để đi thực địa các công trình kiến trúc cổ và ngồi trước máy tính đến tận khuya viết về những nếp nhà Nam Bộ. Di sản đã hàng trăm tuổi, còn họ lại rất trẻ.” - Báo Tuổi Trẻ, 2020
“Có một tình yêu di sản nồng nàn trong từng câu từ của Tản Mạn Kiến Trúc” - Saigoneer
TMKT đã được Dự án Kiến trúc Thuộc địa (Colonial Architecture Project) thuộc Queen’s University Canada mời viết bài thể hiện góc nhìn về hoạt động bảo tồn di sản tại Việt Nam trong tạp san tập hợp tiếng nói từ các chuyên gia trên thế giới, trình bày kinh nghiệm và góc nhìn đặt trong các ngữ cảnh địa phương mà họ tương tác.
Ấn phẩm
Một khảo cứu về kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20
Với ấn phẩm “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ”, hành trình kết nối và truyền cảm hứng của Tản Mạn Kiến Trúc bước đến một giai đoạn mới. Quyển sách là một mắt xích trong tầm nhìn dài hạn của dự án Tản Mạn Kiến Trúc trong việc mở rộng nghiên cứu về di sản kiến trúc và văn hóa của đất nước. Tản Mạn Kiến Trúc đóng vai trò như một gạch nối giữa nghiên cứu và cộng đồng, làm cho di sản trở nên dễ tiếp cận với những người yêu mến di sản và truyền cảm hứng cho những dự án mới trong tương lai.